Sắp có lối ra cho nhà riêng lẻ xây dựng sai bản vẽ thiết kế đã được cấp phép xây dựng

tupham

Thành viên cơ bản
7/3/14
134
2
Trong xây dựng, có những tình huống mà đến lúc thi công mới phát hiện cần thay đổi thiết kế thì các công năng mới sử dụng được hợp lý, từ đó dẫn tới xây sai phép. Tuy nhiên do khúc mắc tiến độ thi công cũng như rắc rối trong việc xin phép xây dựng, nhiều chủ nhà đã lơ luôn.

Nộp phạt cho công trình sai phép - hiện nay đang có nhiều cách hiểu khác nhau - giữa mỗi địa phương hay sở ngành áp dụng khác nhau.

Nhằm “cứu xét” cho một số trường hợp xây dựng không phép, sai phép, Nghị định 121/2013 quy định khi công trình thỏa một số điều kiện thì chủ đầu tư được nộp phạt cho phần vi phạm xây dựng (bằng 40%-50% giá trị phần vi phạm, tùy công trình là nhà ở riêng lẻ hay dự án).

Thế nhưng trên thực tế, quy định này đang có các cách hiểu khác nhau từ điều kiện, đối tượng đến mốc thời gian vi phạm. Ngoài cách hiểu khác nhau về đối tượng, việc áp dụng quy định nộp tiền cho phần vi phạm xây dựng còn nổi lên vấn đề khác đáng quan tâm. Đó là thời điểm vi phạm xây dựng nào thì công trình mới được áp dụng quy định nộp tiền phạt cho phần vi phạm.

Ngày 15/02, Bộ Xây dựng đã có công văn 253/BXD-TTr trả lời kiến nghị của cử tri Thành phố Hải Phòng gửi tới Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV.


1. Về kiến nghị: “Luật Xây dựng số 50/2014/QH13 có hiệu lực từ ngày 01/01/2015, nhưng hiện nay một số nội dung về xử lý các hành vi vi phạm trong quản lý xây dựng và đô thị chưa có văn bản, Nghị định hướng dẫn chi tiết thi hành. Trong khi đó, Nghị định số 180/2007/NĐ-CP ngày 07/12/2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Xây dựng về xử lý vi phạm trật tự xây dựng đô thị đã hết hiệu lực, nên các địa phương gặp nhiều khó khăn, vướng mắc khi xử phạt vi phạm hành chính đối với các đối tượng vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn các quận, huyện. Đề nghị Chính phủ sớm ban hành các văn bản hướng dẫn chi tiết thi hành Luật Xây dựng ”.Về kiến nghị này, Bộ Xây dựng trả lời như sau:

Theo Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật năm 2016 của Chính phủ, Bộ Xây dựng được giao chủ trì soạn thảo Nghị định thay thế Nghị định số 180/2007/NĐ-CP ngày 07/12/2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Xây dựng về xử lý vi phạm trật tự xây dựng đô thị (viết tắt là Nghị định số 180/2007/NĐ-CP) và Nghị định số 121/2013/NĐ-CP ngày 10/10/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng; kinh doanh bất động sản; khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý phát triển nhà và công sở (viết tắt là Nghị định số 121/2013/NĐ-CP).

Thực hiện nhiệm vụ được giao, ngày 17/3/2016, Bộ Xây dựng đã trình Chính phủ Dự thảo Nghị định kèm theo Tờ trình số 24/TTr-BXD. Dự thảo Nghị định và Tờ trình của Bộ Xây dựng đã được Văn phòng Chính phủ tiếp nhận, tổ chức lấy ý kiến Thành viên Chính phủ. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại vẫn còn ý kiến khác nhau về một vài nội dung của Dự thảo Nghị định.

Để đẩy nhanh tiến độ xây dựng và ban hành Nghị định, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại Văn bản số 1133/VPCP-KTN ngày 10/02/2017 của Văn phòng Chính phủ về việc giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ nghiên cứu, thống nhất, hoàn thiện nội dung Dự thảo Nghị định và trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 02/2017, Bộ Xây dựng đang tích cực phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ hoàn thiện Dự thảo Nghị định để trình Chính phủ theo tiến độ.

Đồng thời, để đảm bảo tính ổn định, liên tục của hoạt động quản lý nhà nước, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 09/5/2016, trong đó có nêu: “Đối với các văn bản quy định chi tiết của các luật, pháp lệnh đã hết hiệu lực nhưng chưa ban hành kịp thời văn bản thay thế, Chính phủ thống nhất tiếp tục áp dụng nếu không trái với tinh thần của luật, pháp lệnh mới ban hành”. Vì vậy, trong thời gian chờ Chính phủ ban hành Nghị định thay thế, Nghị định số 180/2007/NĐ-CP vẫn được triển khai thi hành trên tinh thần không trái với những quy định của Luật Xây dựng năm 2014.

2. Về kiến nghị: “Đề nghị bỏ khoản 9 Điều 13 Nghị định số 121/2013/NĐ-CP và sửa đổi theo hướng không cấp phép bổ sung cho các dự án xây dựng sai phép, không phép, sai thiết kế được phê duyệt hoặc sai quy hoạch xây dựng hoặc thiết kế đô thị được duyệt”. Về kiến nghị này, Bộ Xây dựng trả lời như sau:

Trong quá trình tổng kết tình hình thực hiện Nghị định số 121/2013/NĐ-CP ngày 10/10/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng; kinh doanh bất động sản; khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý phát triển nhà và công sở (viết tắt là Nghị định số 121/2013/NĐ-CP), Bộ Xây dựng đã nhận được một số ý kiến tương tự ý kiến của cử tri thành phố Hải Phòng. Để có những đánh giá khách quan về vấn đề này, Bộ đã tổ chức lấy ý kiến rộng rãi các địa phương về khoản 9 Điều 13 Nghị định số 121/2013/NĐ-CP. Trên cơ sở báo cáo của 56/63 UBND cấp tỉnh, có 05/56 địa phương đề nghị bãi bỏ khoản 9 Điều 13 Nghị định số 121/2013/NĐ-CP với lý do quy định này tạo tiền lệ cho việc nộp tiền phạt để tồn tại, 51/56 địa phương đồng ý với quy định tại khoản 9 Điều 13 Nghị định số 121/2013/NĐ-CP nhưng đề nghị cần đánh giá kỹ và bổ sung, sửa đổi để đảm bảo tính khả thi, phù hợp tình hình thực tế. Tiếp thu các ý kiến góp ý, Bộ Xây dựng đã đánh giá và thấy một số bất cập của khoản 9 Điều 13 như sau:

- Không quy định rõ hành vi vi phạm tại thời điểm nào thì được áp dụng khoản 9 Điều 13 Nghị định số 121/2013/NĐ-CP, dẫn đến trường hợp tổ chức, cá nhân cố ý vi phạm để áp dụng quy định này thay vì xin giấy phép xây dựng.

- Không quy định cụ thể cách tính số lợi bất hợp pháp phải thu.

- Khó xác định và áp dụng biện pháp buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp là 50% giá trị phần xây dựng vi phạm đối với nhà ở riêng lẻ.

Trên cơ sở này, Bộ Xây dựng cân nhắc và đề xuất với Chính phủ không bãi bỏ hoàn toàn khoản 9 Điều 13 Nghị định số 121/2013/NĐ-CP và sửa đổi, bổ sung khoản 9 Điều 13 Nghị định số 121/2013/NĐ-CP thành khoản 14 Điều 15 Dự thảo Nghị định, bổ sung những nội dung mới như sau:

- Chỉ những hành vi vi phạm xảy ra sau ngày 04/01/2008 và kết thúc trước ngày 30/11/2013 mới thuộc phạm vi áp dụng quy định tại khoản 14 Điều 15 Dự thảo Nghị định. Như vậy, quy định này sẽ không tạo tiền lệ cho việc nộp phạt để được “tồn tại” hoặc lợi dụng để xây dựng không phép, sai phép.

- Không áp dụng biện pháp buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp đối với trường hợp xây dựng nhà ở riêng lẻ.

- Số lợi bất hợp pháp phải thu đối với các công trình vi phạm khác là toàn bộ số lợi bất hợp pháp có được do vi phạm hành chính gây ra, đồng thời, quy định cụ thể phương pháp xác định số lợi bất hợp pháp.

Tình hình xây dựng và trình ban hành Nghị định đã được nêu tại nội dung 1 nêu trên.


Trung tâm Thông tin
Nguồn: Công văn 253/BXD-TTr.
 

ngochuyh

Thành viên chính thức
21/5/13
126
4
Chờ ra được Nghị Định rồi ra được thông tư, rồi tập huấn .... chắc 2019 mới đi vào cuộc sống
 
để đảm bảo tính ổn định, liên tục của hoạt động quản lý nhà nước, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 09/5/2016, trong đó có nêu: “Đối với các văn bản quy định chi tiết của các luật, pháp lệnh đã hết hiệu lực nhưng chưa ban hành kịp thời văn bản thay thế, Chính phủ thống nhất tiếp tục áp dụng nếu không trái với tinh thần của luật, pháp lệnh mới ban hành”.