Chỉ thị của bộ Giao Thông v/v cải tạo nâng cấp Quốc lộ, Tỉnh lộ

saigonco

Thành viên cơ bản
21/5/13
460
10
BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI -------
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc ---------------
Số: 04/CT-BGTVT​
Hà Nội, ngày 14 tháng 03 năm 2014


CHỈ THỊ
VỀ LỰA CHỌN CÁC GIẢI PHÁP THIẾT KẾ, THI CÔNG TĂNG CƯỜNG KẾT CẤU MẶT ĐƯỜNG KHI CẢI TẠO, NÂNG CẤP CÁC TUYẾN QUỐC LỘ, TỈNH LỘ​
Qua kiểm tra một số dự án, công trình cải tạo, nâng cấp các quốc lộ như: Quốc lộ 12 (Điện Biên - Lai Châu), Quốc lộ 2 (Tuyên Quang - Hà Giang), Quốc lộ 1, Quốc lộ 14…. có hiện tượng trên nhiều đoạn tuyến, mặt đường hiện tại bằng bê tông nhựa còn tốt nhưng vẫn được các Chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án quyết định tăng cường kết cấu với chiều dày lớn, sử dụng lớp móng tăng cường bằng cấp phối đá dăm. Trong khi đó, còn nhiều tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, mặt đường đã xuống cấp nhưng chưa bố trí được kinh phí để cải tạo, nâng cấp.
Để đảm bảo hiệu quả đầu tư các dự án, cần lựa chọn các giải pháp thiết kế, thi công kết cấu mặt đường tăng cường trên mặt đường cũ khi cải tạo, nâng cấp các tuyến đường đảm bảo các yêu cầu về kinh tế - kỹ thuật, đồng thời tiết kiệm kinh phí đầu tư. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải yêu cầu các Chủ đầu tư, Nhà đầu tư, Ban Quản lý dự án, tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát, đơn vị thi công thực hiện các nội dung sau:
1. Đối với công tác khảo sát, điều tra số liệu hiện trường:
- Chấn chỉnh và nâng cao chất lượng công tác điều tra, khảo sát hiện trường, đảm bảo cung cấp đầy đủ các số liệu chính xác phục vụ cho công tác thiết kế theo quy định như: số liệu đếm xe; điều tra xác định tải trọng trục xe; đánh giá tình trạng nền, mặt đường; xác định cường độ mặt đường; xác định các loại hư hỏng nền, mặt đường và nguyên nhân gây ra hư hỏng… ngay từ giai đoạn lập dự án đầu tư đến giai đoạn thiết kế kỹ thuật và thiết kế bản vẽ thi công.
- Trường hợp kết quả khảo sát, điều tra đã thực hiện trên 6 tháng, phải tiến hành kiểm tra lại các số liệu đầu vào và thực hiện khảo sát, điều tra bổ sung (nếu cần thiết) trước khi lập hồ sơ thiết kế.
2. Đối với công tác thiết kế:
- Nghiêm cấm việc tôn cao mặt đường bằng cấp phối đá dăm khi cường độ mặt đường hiện trạng còn đáp ứng được yêu cầu. Trường hợp tôn cao mặt đường phải có ý kiến thẩm tra của Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông (đối với các tuyến quốc lộ) và ý kiến thẩm tra của các Sở Giao thông vận tải (đối với các tuyến tỉnh lộ) trước khi phê duyệt thiết kế.
- Phải xác định chính xác về mô đun đàn hồi yêu cầu của kết cấu mặt đường ngay trong bước lập dự án đầu tư, trên cơ sở phân tích, so sánh cụ thể các yếu tố kinh tế - kỹ thuật phù hợp với hiện trạng nền, mặt đường; đảm bảo tiết kiệm kinh phí đầu tư, làm cơ sở để triển khai các bước tiếp theo.
- Phải nghiên cứu, so sánh, lựa chọn các giải pháp tăng cường mặt đường trên cơ sở phân tích cụ thể các yếu tố kinh tế - kỹ thuật, hạn chế việc tôn cao mặt đường, đặc biệt là các đoạn qua khu vực tập trung đông dân, ưu tiên các giải pháp sử dụng vật liệu gia cố (bê tông nhựa rỗng, đá dăm đen…) hoặc sử dụng các giải pháp cào bóc tái chế.
- Tại các vị trí có lưu lượng giao thông lớn, tải trọng trục nặng và chịu tác động lớn của các yếu tố lực ngang (lực tăng - giảm tốc, lực phanh - hãm xe) như: các vị trí có độ dốc dọc lớn; đường cong nằm có siêu cao; vị trí gần trạm thu phí; vị trí nút giao có bố trí đèn tín hiệu; các đoạn qua khu công nghiệp, các mỏ khai thác khoáng sản, vật liệu xây dựng… phải tính toán cụ thể để lựa chọn kết cấu mặt đường phù hợp, bảo đảm ổn định cho công trình.
3. Đối với công tác triển khai thi công;
- Phải tiến hành kiểm tra lại hiện trạng cường độ nền, mặt đường trước khi triển khai thi công tăng cường mặt đường; nếu có sai khác so với hồ sơ thiết kế, phải kịp thời điều chỉnh các giải pháp kỹ thuật cho phù hợp.
- Phải tiến hành sửa chữa triệt để các hư hỏng nền, mặt đường cũ trước khi triển khai thi công tăng cường mặt đường.
- Phải có giải pháp tạo nhám mặt đường cũ trước khi tăng cường mặt đường để đảm bảo ổn định trượt trong quá trình khai thác; tổ chức triển khai thi công thử để đánh giá trước khi thi công đại trà; đặc biệt lưu ý tại các đoạn tuyến có độ dốc dọc lớn hoặc chiều dày kết cấu tăng cường nhỏ.
- Trong quá trình thi công phải tuân thủ các quy định hiện hành về đảm bảo giao thông và vệ sinh môi trường, bố trí đầy đủ hệ thống báo hiệu bảo đảm an toàn giao thông, phù hợp với điều kiện thi công (chênh cao, độ nghiêng, độ sâu, ngập nước…).
4. Tổ chức thực hiện:
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, Chủ đầu tư, Nhà đầu tư, Ban Quản lý dự án, Tổng công ty, doanh nghiệp thuộc Bộ, các Sở Giao thông vận tải và các cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan tổ chức thực hiện nghiêm các quy định hiện hành về quản lý đầu tư xây dựng, quản lý chất lượng - tiến độ, quản lý giá thành công trình và các nội dung của Chỉ thị này.
Trong quá trình thực hiện, giao các đồng chí Thứ trưởng theo địa bàn, dự án được phân công phụ trách chỉ đạo Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các vi phạm về chất lượng theo các quy định hiện hành và quy định tại Chỉ thị này./.

Nơi nhận: - Văn phòng Chính phủ (để báo cáo); - Các Thứ trưởng (để chỉ đạo thực hiện); - UBND các tỉnh, thành phố; - Các Vụ, Tổng cục, Cục thuộc Bộ; - Các Tổng công ty, Trường, Viện thuộc Bộ; - Các Sở GTVT; - Các Ban QLDA thuộc Bộ; - Lưu: VT, TH, QLXD.
BỘ TRƯỞNG Đinh La Thăng