Dì 3 bán cua và ở quận 5 và những gã trai bịt mặt lăm lăm điện thoại

vipco150

Thành viên cơ bản
22/3/17
2
0
Dì 3 bán cua và ở quận 5 và những gã trai bịt mặt lăm lăm điện thoại

42977560_10160839687255612_6335773727417958400_n.jpg


Đây là Dì 3. Nghề nghiệp: bán cua. Địa bàn hoạt động: quận 5.
Đây là một hình ảnh quen thuộc trong vài tháng nay: mỗi khi Dì 3 mở hàng thì có vài thằng trẻ trung bu quanh, im lặng, giơ điện thoại lên quay, chốc chốc hỏi vài câu.

Chuyện là vầy,
Dì 3 bán cua đã lâu, nghe đâu hơn 30 năm có lẻ và cuộc đời cứ bình bình vậy đến tận mùa hè 2018. Một ngày nọ, có gã lạ mặt đi qua đường Nguyễn Trãi. Gã ấy không biết làm nghề gì nhưng trên tay có chiếc smartphone đời mới, quan trọng là nó có thể quay video FHD, 4K. Mâm cua của Dì 3 vàng ruộm kích thích gã. Thế là gã bèn quay lại và post lên kênh YouTube của mình. Video có tên "Mâm Cua Hấp Dì 3 33 năm, khách đi 3-4 ngày mới mua được Cua" bắt đầu hút view, sau vài ngày được vài trăm ngàn người xem, sau đó thì lên cả triệu view. Thấy hay hay, gã bèn làm tiếp vài clip về Dì 3, đại khái là "Giải mã mâm cua Dì 3...", "Đây là cách Dì 3 làm mâm cua...". Từ thành công của gã, hàng chục YouTuber đã đăng tải lại video hoặc tới gặp Dì 3 để làm các video tương tự.

Chỉ một người phụ nữ cao niên mập mạp và mâm cua giản dị thôi nhưng đủ thứ câu chuyện ra đời:
"Đây là lý do khiến mâm cua hấp của Dì 3 đắt gấp đôi so với cua chợ",
"Lật Tẩy Chủ Vựa Cua Mời Dì 3 Lấy Cua Sống Giá Rẻ",
"Cảnh tượng chưa từng có, giành giật mua sạch mâm cua của cụ bà trong 5 phút",
"Giang hồ" Sài Gòn doạ san bằng vựa cua ông Hoàng nếu không xin lỗi Dì 3"... :D
vân vân
Mỗi video hút vài trăm ngàn, thậm chí cả triệu view. Có video ("Đây là lý do...") đạt hơn 4 triệu view.

Báo chí chính thống cũng vào cuộc rồi!
Nước lên thì lục bình lên theo. Mâm cua Dì 3 hút view thì các thể loại cua khác cũng có thêm cơ hội.
Mình có cậu bạn về quê nhà Long An rồi lặn xuống hồ bắt một con cua lên. Cảnh này có quay video và post YouTube cách đây vài năm, giật tít "Bắt cua "khủng long" to nhất ở miền Tây", kèm theo vài từ khóa SEO này nọ. Qua vài năm được lèo tèo vài ngàn view. Thế rồi một ngày nọ, hắn vào mạng và chợt sững sờ: chuyện gì đang xảy ra vậy? view đang lên ào ào (giờ đã qua 1,1 triệu view)! Đấy đều là nhờ Dì 3 cả. Các clip về mâm cua Dì 3 hút view, kéo theo các clip về cua khác nói theo ngôn ngữ Thủ tướng thì đang như gái đẹp ngủ quên đâu đó chợt bừng tỉnh trút bỏ xiêm y, hút view ầm ầm (cái này là nhờ cơ chế video đề xuất của YouTube).

Cuộc sống của Dì 3 thay đổi hoàn toàn sau giây phút chạm trán bất ngờ với gã trai lạ. Kinh doanh phất lên tỉ lệ thuận với lượt tăng view của những video trên YouTube nhưng cũng kèm theo nhiều hệ lụy. Mỗi ngày khi Dì đi bán cua thì luôn có vài thằng/con lạ mặt ngồi xung quanh dí sát điện thoại vào mặt Dì. Ban đầu khó chịu, sau riết thành quen.
Dì 3 đã trở thành ngôi sao mạng xã hội như vậy đó. Nhưng Dì 3 chỉ là một trong vô vàn ngôi sao được dân YouTuber sản xuất mỗi ngày.
Câu hỏi là: điều gì đang thôi thúc người ta làm video cho YouTube điên cuồng đến vậy?
Câu trả lời chỉ có một từ: LỢI.
Mọi hoạt động của nhân loại này đều có thể quy về một chữ LỢI, các triết gia và kinh tế gia đã nói.

Cách đây 13 năm, có ba gã trai Steve Chen, Chad Hurley, Jawed Karim lập ra website chia sẻ video YouTube. Steve và Chad kể rằng ý tưởng ra đời YouTube bắt đầu khi hai gã không biết làm thế nào để chia sẻ mấy cái video clip quay tại một bữa tiệc tối cho bạn bè. Thế là Steve và Chad nghĩ tới một website cho phép người dùng đăng tải video của mình lên để mọi người cùng xem. Jawed thì lại cung cấp một phiên bản khác về buổi bình minh: ý tưởng về sự ra đời YouTube khởi phát khi anh ta lên mạng tìm video lộ hàng của Janet Jackson mà không được.

Không biết chuyện của anh nào mới chính xác, nhưng dù gì thì sau đó YouTube cũng đã ra đời và Jawed trở thành người đầu tiên post một video trên website này. Video "Me at the Zoo" (Em đi chơi thuyền trong thảo cầm viên) là một đoạn quay rất sơ sài cảnh Jawed đứng hiện dẫn trước mấy con voi trong vườn thú. Anh ta nói ấp úng, rằng mình đang đứng trước lũ voi, và điều dễ thương là chúng nó có mấy cái vòi rất, rất dài, hay lắm quý vị ạ. Hết phim. Chỉ 18 giây nhưng sau này nó đã trở thành một chuẩn mực cho dân làm video YouTube. Bỏ qua các nguyên tắc về bố cục, khung hình, ánh sáng, âm thanh này nọ của truyền hình truyền thống, chuẩn mực của dân YouTuber có lẽ chỉ gói gọn trong một từ: THẬT. Video càng có vẻ chân thực càng tốt, mặc kệ bố cục loạn xạ, quay rung lắc hoặc ánh sáng chói lòa như ánh sáng của đảng quang vinh.

YouTube ra đời tháng 2.2005 và ngay lập tức đã thu hút sự quan tâm của dân mạng (và các nhà đầu tư, tất nhiên). Đến tháng 11, video quảng bá sản phẩm của Nike có hình ảnh ngôi sao bóng đá Ronaldinho trở thành video đầu tiên đạt 1 triệu view. Một chương mới của lịch sử mạng xã hội, báo chí, truyền hình... mở ra từ đó.

Gần hai năm sau khi ra đời, YouTube được gã khổng lồ Google bỏ 1,65 tỉ USD mua lại.
Mặc dù trước đó, với tính năng chia sẻ video đột phá, YouTube đã thu hút một lượng người cung cấp nội dung (Creators, tức là người làm video và up lên trang) tăng lên mỗi ngày. Nhưng phải tới năm 2007, khi YouTube triển khai phương thức kinh doanh "Đối tác với người tạo nội dung" thì tình hình mới thực sự điên đảo.

Theo chính sách này của YouTube, người dùng sở hữu các kênh đủ tiêu chuẩn kiếm tiền (tiêu chuẩn thay đổi qua thời gian) sẽ được chia sẻ doanh thu từ hoạt động quảng cáo trên video của kênh đó. Cơ chế này có thể được tóm tắt như sau: anh A sở hữu kênh YouTube có tên là B, post lên clip Dì 3 bán cua, trong clip đó có hiển thị các quảng cáo XYZ. Dòng tiền khi đó sẽ đi như thế này: Công ty XYZ trả tiền cho YouTube để được hiển thị quảng cáo; YouTube nhận tiền và share lại cho anh A một ít. Anh A bắt đầu thấy vui hơn ngày cũ: xưa kia ta làm video để giải quyết khâu vui, khâu oai; nay ta làm video còn giải quyết thêm khâu ăn nữa. Tại sao không làm? Xưa làm 1 video/ngày thì nay ta làm 10 video/ngày. Why not?

Hãy xem con số sau đây: Tháng 5.2011, trung bình mỗi phút có 48 giờ video (tổng thời lượng) được up lên YouTube. Đến tháng 2.2017, mỗi phút có 400 giờ video được up lên!
(Lưu ý: tiền kiếm được trên mỗi video chủ yếu đến từ các quảng cáo hiển thị, một phần khác - ở Việt Nam rất nhỏ - đến từ các lượt xem của những user hạng nhất. Những user này trả tiền cho YouTuber để có tài khoản VIP, khi họ xem video mình thì YouTube sẻ trích một ít cho mình).

Rất khó để xác định một video có thể giúp người sản xuất nội dung (Creators) thu về bao nhiêu tiền thực sự nếu chỉ nhìn qua lượt view (vì doanh thu phụ thuộc nhiều yếu tố, cơ bản nhất vẫn là lượt hiển thị quảng cáo trên đó, mà số lượt hiển thị quảng cáo phụ thuộc rất nhiều yếu tố khác...). Tuy nhiên, những người làm YouTube chuyên nghiệp có thể ước lượng với tính chính xác tương đối. Ví dụ một video Dì 3 bán cua, nếu hút được 1 triệu view, với thời lượng của video 10 phút, trong điều kiện bình thường thì tiền mà người post video thu về tầm 10 triệu đồng Việt Nam (tính từ tiền ăn chia với YouTube). Tiền tươi thóc thật được chuyển vào tài khoản ngân hàng nhé (thỉnh thoảng có tin sở thuế kêu anh gì, chị gì đi nộp thuế kinh doanh qua mạng thì một phần là YouTube đấy - tất nhiên có 1001 nguồn khác, chẳng hạn game di động, website phim lậu...).

Đấy là những gì lung linh ảo mộng của bài toán làm giàu không khó, nhưng hiện thực đôi khi khá phũ phàng: không phải ai làm YouTube cũng kiếm được tiền đủ để trang trải chi phí. Có lẽ 1.000 người làm thì may ra có 1 người thực sự có lời. Nhưng chữ LỢI như củ cà rốt treo trước mắt, cứ lao theo cái đã. Que será, será...

Đấy chính là cơ chế kích thích người sản xuất nội dung mà YouTube tạo ra. Cuộc chơi đã kéo dài 11 năm với nhiều thay đổi về luật chơi, nhưng sức hấp dẫn thì chỉ có tăng chứ không giảm (hãy hình dung: vào thời điểm mà bạn đang đọc stt này, có hàng trăm ngàn người cầm điện thoại chạy ngoài đường với quyết tâm đổi đời nhờ YouTube, chuyện có thật đấy).

Không chỉ dân amateur quay video bằng điện thoại (nghiệp dư trong làm video nhưng là YouTuber chuyên nghiệp), mà các tổ chức chuyên nghiệp (công ty media, đài truyền hình, báo, các nhóm kịch, ca sĩ...) cũng lao vào mở kênh YouTube. Mặc dù mục đích mở kênh của các tổ chức chuyên nghiệp không chỉ là để ăn chia tiền với YouTube, nhưng kết lại thì vẫn là một chữ LỢI. Họ tìm thấy lợi ích của mình ở nhiều phương diện khác, chẳng hạn như họ được tiếp cận với một đám đông công chúng rõ ràng, dễ nhận diện, dễ đo đếm hành vi hơn (nhiều khía cạnh lợi lộc, ở đây chỉ nêu vài cái).

Cuộc chơi vui nhộn của YouTube rốt cuộc đã khiến Facebook sốt ruột. Lâu nay Facebook là một kẻ ích kỷ hơn Google (mẹ của YouTube) rất nhiều. Họ thu tiền và hầu như không chia sẻ cho người cung cấp nội dung một cắc nào. Instant Articles là một trong những lần hiếm hoi Facebook triển khai chia sẻ doanh thu, nhưng tại Việt Nam, sản phẩm này đã chết yểu khi các nhà cung cấp nội dung (báo, đài) thấy lợi ích mà họ thu về quá bé so với chi phí và rủi ro.

Và rồi Facebook triển khai một sản phẩm mới: Facebook Watch, dành cho dân sản xuất video. Luật chơi tương tự YouTube, anh sản xuất video quăng lên Facebook Watch và tiền thu về sẽ được cưa theo một tỉ lệ nào đó. Chuyện chia sẻ doanh thu đã được thực hiện ở Mỹ và một số nước, trong khi tại Việt Nam thì Facebook Watch đã được triển khai mới đây nhưng chưa có một lộ trình ăn chia rõ ràng. Chắc cũng sớm thôi.
Rồi đây Dì 3 quận 5 sẽ chẳng còn một ngày bình yên nào nữa :D
(Tip: Nếu làm clip về Dì 3 bán cua, bạn nhớ ghi là Dì 3, not Dì Ba nhé, SEO cả đấy :D)

Nguồn: https://www.facebook.com/photo.php?fbid=10160839687250612&set=a.10150349345110612&type=3&theater