Khiếp hãi gia vị độc hại

bravia

Member
16/10/15
229
11
Chỉ cần vài ngàn đồng, có thể biến nồi nước lã thành lẩu Thái chua cay, bún riêu cua, bún bò, phở gà, phở bò, bò kho, cà ri xanh, cà ri đỏ... một cách dễ dàng.
Gia vị giá bèo, hầu hết có xuất xứ từ Trung Quốc, đang gây kinh hãi trong ngành ẩm thực Việt.
Một muỗng gia vị thay... 5 kg xương
Tại chợ Bình Tây (Q.6, TP.HCM), nhiều người bán tỏ ra dè dặt khi được hỏi gia vị giá rẻ. Hầu như sạp hàng nào cũng chỉ bày và giới thiệu gia vị có thương hiệu Việt Hương, Nam Ấn. Tuy nhiên, sau hơn 3 giờ đồng hồ “quần” quanh khu vực bán gia vị sỉ trong vai người mở quán nhậu lớn, người viết bài được nhiều sạp hàng trong và bên hông khu chợ Bình Tây giới thiệu hàng loạt gia vị có nhiều chức năng thay đổi món ăn với mức giá rẻ khó tin.
Hầu hết từ Trung Quốc Gia vị nấu cà ri, bò kho nhìn bằng mắt thường chỉ thấy một hỗn hợp gồm bột màu đỏ, vàng, thêm nhúm lá khô không rõ lá gì, bỏ trong bịch ni lông, cột dây thun, bán với giá 20.000 đồng/10 gói lớn. Theo ông Phú, người phụ bán hàng tại sạp tên Nga trên đường Lê Tấn Kế thì “những người bán quán toàn mua loại này”. Hỏi gặng xuất xứ, ông Phú nói thẳng: “Gia vị giá rẻ bằng 1/3 giá hàng chính hãng thì chỉ có “anh” Trung Quốc mới làm nổi thôi”.


Sau một hồi “cam kết” chỉ bán gói nêm lẩu hiệu Lobo được sản xuất tại Thái do Công ty Interserco nhập khẩu và phân phối, giá 84.000 đồng/10 gói lẩu Thái chua, 94.000 đồng/10 gói lẩu Thái cay, cô gái tên Châu (sạp số 72 Tr.Hưng trong chợ Bình Tây) vào trong lấy ra hai gói cùng thương hiệu Lobo, bao bì mẫu mã y chang nhưng giá 30.000 đồng/10 gói. Châu cho biết nếu mua số lượng lớn, giá sẽ thấp hơn. Tuy nhiên, mức giá mà sạp Tr.Hưng bán chưa phải là rẻ nhất. Tại sạp gia vị Ch.Phương trên đường Lê Tấn Kế bên hông chợ Bình Tây, người bán cho biết bịch 10 gói lẩu Thái vị chua, vị cay bán từ 20.000 đồng, 25.000 đồng, 30.000 đồng, 35.000 đồng, 60.000 đồng... “Giá nào cũng có, quan trọng là chị muốn mua giá nào?”, người này nói.
Ngoài gia vị nấu lẩu Thái, Châu cũng giới thiệu hàng loạt gia vị nấu phở, bún bò, bò kho với giá 42.000 đồng/20 gói hiệu Nam Ấn và “giá bán theo thùng sẽ thấp hơn nữa”. Tuy nhiên, trên đường Lê Tấn Kế, ông Phú, người phụ bán hàng tại sạp tên Nga, cho biết có những gia vị siêu ngọt, có thể thay xương ống, dùng phổ biến trong nấu phở, bún bò, bún riêu dành cho những người bán hàng nấu nồi lớn. Ông Phú đưa ra gói trăng trắng có tên Tang Jing, trên bao bì toàn ghi chữ Trung Quốc, giới thiệu là hàng Thái, bán giá 250.000 đồng/kg. “Tui có bán lẻ, mua 2 lạng về dùng thử, được lần sau ghé mua”, ông Phú nói và cho biết “mối ruột” của ông từ thành phố đến khắp các tỉnh miền Tây đều mua để nấu lẩu, phở, hủ tíu, súp...
Theo tìm hiểu của PV, sản phẩm Tang Jing thật ra là loại đường hóa học, có vị ngọt gấp 20 lần so với đường cát thật. Ngoài viên siêu ngọt này, tại khu vực chợ Kim Biên, người bán hàng ở quầy H.Trang trên đường Phan Văn Khỏe đưa gói bột trắng thoạt trông như bột mì, gọi là IG, bán giá 40.000 đồng/100 gr. “Một muỗng này ngọt bằng 4 - 5 kg xương heo. Mua một lạng này, chị dùng được chục nồi phở”, người bán tính toán.
Bà Nguyễn Thị Hoa, bán phở bình dân trong con hẻm 40 trên đường Trần Quang Diệu (Q.3, TP.HCM), tính toán: nồi nước lèo phở của bà cần 3 kg xương ống bò, giá khoảng 90.000 đồng hoặc 4 - 5 kg xương ống heo giá 75.000 đồng mới có vị ngọt tương ứng. “Mua mấy loại bột siêu ngọt của Trung Quốc đang bán này chỉ cần tốn 4.000 - 5.000 đồng đã có nồi phở ngọt lừ rồi. Nhưng mần ăn vậy thất đức quá nên người ta chào hoài mà tôi từ chối”, bà Hoa nói.
Nguy cơ ung thư
Theo Sở Y tế TP.HCM, việc kinh doanh và phân phối gia vị không rõ nguồn gốc đều bị nghiêm cấm. Đặc biệt, gia vị nấu lẩu, bún, phở hay gia vị tẩm ướp thường chỉ là những hỗn hợp tạo độ ngọt, đa phần là bột ngọt và nhiều hóa chất khác. Với những mặt hàng giá quá rẻ, không nhãn mác, không loại trừ khả năng nhà sản xuất dùng hóa chất công nghiệp có nhiều tạp chất, kim loại nặng như chì, sử dụng trong thời gian dài, sẽ dẫn đến ung thư.
Hàng gia vị giả kém chất lượng từ Trung Quốc tràn ngập thị trường - Ảnh: Diệp Đức Minh


Bác sĩ Trần Thị Minh Nguyệt, chuyên gia dinh dưỡng, Phó chủ tịch HĐQT Nutifood, phân tích: “Thực tế, gia vị có một quy chuẩn quốc tế mà các doanh nghiệp uy tín dựa vào để sản xuất với liều lượng cho phép, đặc biệt trong thực phẩm. Thông thường các thành phần được kiểm định và ghi rõ trên nhãn mác. Với hàng không có xuất xứ, không có thông tin sản phẩm trên bao bì không nên sử dụng dưới bất cứ hình thức nào trong chế biến thức ăn. Đặc biệt, nhiều hóa chất giá rẻ, chỉ được sử dụng trong công nghiệp, nếu nhà sản xuất tham lợi bất chấp vẫn dùng để sản xuất, người tiêu dùng sử dụng lâu ngày sẽ gây phá hủy tế bào, làm biến đổi gien, hình thành nên những tế bào lạ, sinh sôi nảy nở rất nhanh tạo thành khối u. Đây là tiền đề dẫn đến bệnh ung thư”.
TS Nguyễn Đức Thái, chuyên gia sinh học của Mỹ, người có nhiều nghiên cứu về chẩn đoán và điều trị ung thư, kể ngày mới về VN, ông rất thích ngồi với bạn bè, sinh viên để thử món ăn bán vỉa hè. “Nó thú vị bởi sự phong phú đa dạng của một xã hội mà ở Mỹ và các nước phát triển không có được. Thế nhưng, chỉ thời gian ngắn, qua tìm hiểu, tôi thấy nhiều thức ăn rẻ bán ngoài vỉa hè bẩn nguy hại đến sức khỏe khủng khiếp. Thế là chúng tôi dù muốn cũng không dám liều với sức khỏe của mình”, TS Thái nói và cho biết với những người có sức khỏe yếu, nạp thường xuyên các phụ gia có chứa chì, phẩm màu công nghiệp... khả năng tích tụ chất độc hại nhanh hơn, khiến lục phủ ngũ tạng bị tổn thương nhanh và nguy cơ phát bệnh cũng nhanh hơn. “Thống kê của Tổ chức Y tế thế giới vào tháng 4.2014, VN đứng trong nhóm 2 các nước có tỷ lệ chết do bệnh ung thư. Mỗi năm, VN đang có 70.000 người chết vì ung thư, thêm 200.000 người mắc mới. Điều đáng lo ngại nhất là tốc độ gia tăng bệnh ung thư tại VN rất nhanh, đến hồi đáng báo động. Trong đó, nguyên nhân chính đến từ thực phẩm và môi trường sống”, TS Thái thông tin.
Theo TS Thái, muốn ngăn chặn tình trạng kinh doanh, sử dụng nguyên liệu trong chế biến thực phẩm phải quản lý chặt chẽ hàng hóa đầu vào, thanh kiểm tra thị trường thường xuyên để phát hiện những chất độc hại mới, hạn chế việc để phổ biến ra thị trường rồi sẽ rất khó kiểm soát. Bên cạnh đó, phải tuyên truyền mạnh tính độc hại của sản phẩm đến người tiêu dùng. “Chính phủ cần có chiến dịnh tầm quốc gia trong phòng chống gia vị bẩn, thực phẩm bẩn thường xuyên và quyết liệt hơn nữa”, TS Thái kiến nghị.

Nguồn: thanhnien.vn/kinh-doanh/khiep...ai-643032.html






 

banhbeo

Thành viên cơ bản
28/9/15
568
36
Có tin thực phẩm bẩn, hãy báo thongtinvipham@mard.gov.vn
Bộ NN&PTNT vừa quyết định trao phần thưởng trị giá 2 triệu đồng cho ông Nguyễn Quyền Anh (chủ hộ chăn nuôi ở Hoài Đức, Hà Nội), người đã báo thông tin một công ty thức ăn chăn nuôi bán cám kèm gói bột trắng chứa salbutamol hàm lượng cao cho một số trang trại nuôi tập trung trên địa bàn. Sau khi nhận được thông tin, ngày 2-12 bộ này đã kiểm tra và phát hiện vụ việc.
Bộ NN&PTNT cũng cho biết người dân và các chủ trại, hộ chăn nuôi phát hiện về thực phẩm bẩn có thể gửi về địa chỉ thongtinvipham@mard.gov.vn.
 

banhbeo

Thành viên cơ bản
28/9/15
568
36

Nếu người Việt cứ uống cà phê như hiện tại, đường đi từ quán nước đến nghĩa địa không còn xa...

90% người Việt chưa biết thưởng thức ly cà phê đích thực. Dòng cà phê thị hiếu của người Việt đang là loại cà phê pha trộn với đậu tương, caramen…, dễ gây hủy hoại cơ thể con người. Với cách uống này, đường đi từ quán cà phê đến nấm mồ không xa, Tổng Giám đốc Thái Hòa nhận định.

“Cách uống cà phê của người Việt Nam đang đi ngược lại so với thế giới”, ông Nguyễn Văn An – Tổng Giám đốc CTCP Tập đoàn Thái Hòa Việt Nam – cho biết tại tọa đàm “Năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng của cà phê” diễn ra cuối tuần trước.
Theo ông An, trong khi thế giới chỉ lấy hương cà phê mà không lấy vị cà phê, thì Việt Nam đang làm ngược lại.
“Nhiều người tiêu dùng nghĩ rằng cà phê thật không ngon mà phải độn phụ gia mới ngon”, ông An nói.
“Người dùng cà phê Việt Nam đang uống nhiều chất độn hơn chất cà phê. Tại sao từ ly cà phê đến nấm mồ nhanh? Là vì uống cà phê giờ không phải từ cà phê mà uống từ hóa chất hoặc từ nông sản rang cháy”.
Ông An cho biết: Nhiều cơ sở chế biến nhỏ vì lợi nhuận và vì thiếu hiểu biết trong vấn đề an toàn thực phẩm mà sản xuất ra những sản phẩm không tốt, thậm chí mang tính độc hại. Họ rang đậu tương cháy để lấy độ đậm đắng và vị chát được lấy từ nhân cau để tăng thêm phần phấn khích khi uống cà phê.
Điều đó vô hình chung đã hủy hoại cơ thể con người vì chất cháy, tinh dầu cháy sẽ gây ung thư, nhịp tim loạn, giảm trí nhớ.
Bên cạnh đó, caramen từ đường cháy, bơ hòa tan ở nhiệt độ cao họ đem dùng để láng phủ lên bề mặt cà phê, sau một thời gian ở nhiệt độ bình thường sẽ gây mốc độc tố. Thế giới đang nghiêm cấm dòng cà phê này, nếu phát hiện sẽ cho tiêu hủy sản phẩm.
Với những cách chế biến trên thì chỉ lấy được vị cà phê. Khi nước vào sẽ mang tính chất rửa trôi caramen, cà phê có vị đắng chát. Nhưng nếu muốn đẩy được hương cà phê thì phải dùng nhiệt độ hóa hơi, muốn có hương cà phê thì phải cho chất tạo hương.
“Với tỷ lệ caffeine chỉ trên dưới 1%, người uống sẽ uống được nhiều, không bị say vì caffeine gần như không có. Nếu nghiện uống món cà phê này liên tục thì người uống từ việc ngồi quán cà phê sẽ đi xuống nấm mồ không xa”, ông An khuyến cáo.

Thế giới dùng hương cà phê, không dùng vị cà phê. Nguồn: Internet.
Đồng tình với ý kiến trên, ông Phan Minh Thông – Tổng Giám đốc Công ty TNHH Phúc Sinh cho rằng: “Chúng ta rất thiệt thòi. Chúng ta toàn uống bắp ngô, đậu, hương liệu mà cả thế giới người ta uống cà phê chứ không uống nguyên liệu”.
Theo các chuyên gia, với thể trọng hiện nay, người Việt Nam tốt nhất uống cà phê không thấp hơn tỷ lệ 1,5% caffeine/tổng chất khô, và nên dưới 2% caffeine/tổng chất khô. Đồng thời, chỉ nên uống từ 12 đến 15 gram cà phê xay nguyên chất.
Không nên lạm dụng uống quá nhiều, vì lượng caffeine/tổng chất khô nếu lớn hơn 2%, khi vào cơ thể nhiều sẽ gây ức chế thần kinh, làm giòn xương, tăng nhịp đập của tim….
“Người thông thái chỉ nên uống cà phê có tỷ lệ cafe Arabica cao là trên 1,5% và dưới 2% tổng chất khô, và chỉ dùng hương cà phê mà không lấy vị cà phê”, ông An nói.
Tỷ lệ caffeine/tổng chất khô ở 2 loại cafe phổ biến nhất Việt Nam - cafe Arabica là 1,5%; cafe Robusta là 2,5%.
Việt Nam đang tồn tại một nghịch lý khi là nước xuất khẩu cà phê thứ 2 thế giới, nhưng tăng trưởng tiêu dùng cà phê của Việt Nam rất thấp.
Trong khi các quốc gia khác bao giờ cũng khuyến khích tiêu dùng trong nước, khi dư thừa tiêu dùng trong nước mới tính đến xuất khẩu, thì tại Việt Nam, các sản phẩm cà phê ngon đều xuất khẩu ra nước ngoài.
Bảo Bảo
Theo Trí Thức Trẻ