Luật xây dựng đã được QH thông qua ngày 18/6/2014, Chủ tịch QH ký ngày 26/6/2014

saigonco

Thành viên cơ bản
21/5/13
460
10
Những điểm mới liên quan đến hành nghề

ĐIỀU KIỆN NĂNG LỰC HOẠT ĐỘNG XÂY DỰNG
Điều 148. Quy định chung về điều kiện năng lực của tổ chức, cá nhân hoạt động xây dựng
1. Cá nhân tham gia hoạt động xây dựng phải có văn bằng, chứng chỉ đào tạo phù hợp với công việc đảm nhận do các cơ sở đào tạo hợp pháp cấp.
2. Nhà thầu là tổ chức, cá nhân nước ngoài hoạt động xây dựng tại Việt Nam phải tuân thủ quy định của pháp luật về đấu thầu và được cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng cấp giấy phép hoạt động.
3. Những chức danh, cá nhân hành nghề hoạt động xây dựng độc lập phải có chứng chỉ hành nghề theo quy định gồm an toàn lao động; giám đốc quản lý dự án, cá nhân trực tiếp tham gia quản lý dự án; chủ trì thiết kế quy hoạch xây dựng; chủ nhiệm khảo sát xây dựng; chủ nhiệm, chủ trì thiết kế, thẩm tra thiết kế xây dựng; chỉ huy trưởng công trường; giám sát thi công xây dựng; kiểm định xây dựng; định giá xây dựng. Chứng chỉ hành nghề được phân thành hạng I, hạng II, hạng III.
4. Tổ chức tham gia hoạt động xây dựng được phân thành hạng I, hạng II, hạng III do cơ quan nhà nước có thẩm quyền về xây dựng đánh giá, cấp chứng chỉ năng lực. Bộ Xây dựng cấp chứng chỉ năng lực hạng I; Sở Xây dựng cấp chứng chỉ năng lực hạng II, hạng III. Tổ chức tham gia hoạt động xây dựng phải đăng ký kinh doanh ngành nghề phù hợp theo quy định của pháp luật.
5. Chính phủ quy định chi tiết về điều kiện năng lực của tổ chức, cá nhân hoạt động xây dựng; điều kiện, thẩm quyền, trình tự, thủ tục cấp phép hoạt động của nhà thầu là tổ chức, cá nhân nước ngoài; chương trình, nội dung, hình thức tổ chức sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề, chứng chỉ năng lực của tổ chức và điều kiện của cơ sở đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ về hoạt động xây dựng.

Điều 149. Chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng
1. Chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng là văn bản xác nhận năng lực hành nghề, do cơ quan có thẩm quyền cấp cho cá nhân quy định tại khoản 3 Điều 148 của Luật này có đủ trình độ chuyên môn và kinh nghiệm nghề nghiệp về lĩnh vực hành nghề.
2. Cá nhân được cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng phải đáp ứng các điều kiện sau:
a) Có trình độ chuyên môn phù hợp với nội dung đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề;
b) Có thời gian và kinh nghiệm tham gia công việc phù hợp với nội dung đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề;
c) Đã qua sát hạch kiểm tra kinh nghiệm nghề nghiệp và kiến thức pháp luật liên quan đến lĩnh vực hành nghề.
3. Thẩm quyền sát hạch, cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng được quy định như sau:
a) Cơ quan chuyên môn thuộc Bộ Xây dựng có thẩm quyền sát hạch, cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng hạng I;
b) Sở Xây dựng, tổ chức xã hội - nghề nghiệp có đủ điều kiện theo quy định của Chính phủ có thẩm quyền sát hạch, cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng các hạng còn lại.
 

Cu-Li

Thành viên chính thức
14/5/13
162
11

Luật Xây dựng mới: Hành lang pháp lý mới trong quản lý đầu tư xây dựng

(Xây dựng) - Sáng 18/09, tại TP.HCM, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng đã chủ trì Hội thảo về các dự thảo nghị định hướng dẫn Luật Xây dựng 50/2014/QH13, bao gồm các nghị định về quản lý dự án đầu tư xây dựng, nghị định về quản lý chất lượng công trình xây dựng, nghị định về chi phí đầu tư xây dựng, nghị định về hợp đồng xây dựng và nghị định về xử lý vi phạm trật tự xây dựng. Tham dự Hội thảo còn có các cục, vụ, viện thuộc Bộ Xây dựng và đại diện các tỉnh thành phía Nam.
071609baoxaydung_image001.jpg

Luật Xây dựng mới có nhiều điểm mới so với luật cũ, trong đó, sẽ làm rõ được quy trình quản lý đầu tư xây dựng đối với các nguồn vốn khác nhau, kiểm soát tốt hơn thông tin nhà thầu.
Tổng thầu, chủ thầu chính hoặc nhà thầu nước ngoài không được giao toàn bộ công việc theo hợp đồng cho nhà thầu phụ thực hiện. Đây là một quy định đáng chú ý tại Nghị định về Hợp đồng xây dựng hướng dẫn thi hành Luật Xây dựng 2014 đưa ra để lấy ý kiến.
Theo ông Nguyễn Ngọc Toan, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cửu Long - Bộ Giao thông Vận tải, quy định này chưa được hợp lý lắm bởi lẽ trên thực tế có những nhà thầu nước ngoài trong ngành xây dựng chỉ chuyên tham gia đấu thầu và khi thắng thầu thì giao lại cho nhà thầu phụ làm. “Công trình xây dựng thường có hàng chục hạng mục mà nhiều nhà thầu phụ tại Việt Nam hoàn toàn có đủ năng lực để thực hiện các hạng mục đó. Nghị định nên cho phép các nhà thầu phụ có thể làm hết các công việc mà nhà thầu chính giao. Đây cũng là cách để tạo “công ăn việc làm” cho ngành xây dựng trong nước”, ông Toan đề nghị.
Ông Phạm Văn Khánh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế xây dựng - Bộ Xây dựng cho biết, xu hướng phát triển một loại nhà thầu quản lý, chỉ chuyên nhận thầu và quản lý các nhà thầu phụ là phổ biến trên thế giới. Tuy nhiên, những nhà thầu này đòi hỏi năng lực chuyên môn rất tốt mà tại Việt Nam chưa có nhiều nhà thầu như vậy. Do đó, quy định trên sẽ áp dụng đối với hoạt động thi công của các nhà thầu, nhà thầu chính không thể giao phó tất cả việc thi công cho nhà thầu phụ. Còn về hoạt động quản lý, giám sát thì nhà thầu chính có thể san sẻ cho nhà thầu phụ.
Theo Điều 47 tại Nghị định về Hợp đồng xây dựng, một hợp đồng thầu chính có thể có nhiều hợp đồng thầu phụ. Khi ký kết hợp đồng thầu phụ, tổng thầu, nhà thầu chính hoặc nhà thầu nước ngoài phải thực hiện theo các quy định chỉ ký kết hợp đồng với các thầu phụ đúng với năng lực hành nghề, năng lực của nhà thầu phụ. Ngoài ra, nhà thầu nước ngoài khi thực hiện hợp đồng xây dựng trên lãnh thổ Việt Nam phải sử dụng nhà thầu phụ trong nước đáp ứng được các yêu cầu của gói thầu và chỉ được ký với các nhà thầu phụ nước ngoài khi nhà thầu phụ trong nước không đáp ứng được yêu cầu của gói thầu.
“Để đảm bảo trách nhiệm của nhà thầu chính thì trong Luật Xây dựng mới quy định nhà thầu chính phải là chịu trách nhiệm trước chủ đầu tư về chất lượng công trình, dù công việc đó là do nhà thầu phụ thực hiện”, ông Phạm Văn Khánh khẳng định.
Đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thông bức xúc, nhiều chủ đầu tư phải bồi thường hợp đồng với nhà thầu khi việc giải phóng mặt bằng chậm mà nguyên nhân chính thuộc về chính quyền địa phương. Do đó, vị đại diện này yêu cầu Nghị định cần quy định chặt chẽ về trách nhiệm của các bên khi xảy ra mâu thuẫn giữa các bên do giải phóng mặt bằng chậm.
071612baoxaydung_image003.jpg

Cũng tại Hội thảo, nhiều đại biểu băn khoăn về những tranh chấp trong hợp đồng hoạt động xây dựng liên quan đến vấn đề bảo hiểm khi nhiều chủ đầu tư hiện nay không quan tâm đến việc mua bảo hiểm công trình.
Ông Phạm Văn Khánh giải thích, thực tế, Luật Xây dựng mới sẽ quy định “mềm” hơn về vấn đề bảo hiểm. Cụ thể, nghị định về Hợp đồng xây dựng quy định việc mua bảo hiểm chỉ áp dụng cho một số công trình có ảnh hưởng đến an toàn cộng đồng, môi trường, công trình có yêu cầu kỹ thuật đặc thù, điều kiện thi công phức tạp.
Ngoài ra, nhiều đại biểu còn băn khoăn về quy định luật mới quy định cấp chứng chỉ hành nghề cho các cá nhân hoạt động trong lĩnh vực xây dựng,
Về nghị định chi phí đầu tư, ông Trần Hồng Mai, Viện trưởng Viện Kinh tế Xây dựng cho biết, nghị định lần này quy định chi phí xây dựng được xác định bằng cách lập dự toán bao gồm chi phí trực tiếp, chi phí chung, thu nhập chịu thuế trước, thuế giá trị gia tăng và chi phí hạng mục. Còn chi phí thiết bị thì được xác định trên cơ sở khối lượng, số lượng thiết bị lựa chọn từ thiết kế công nghệ, xây dựng và giá mua thiết bị tương ứng.
Phát biểu tại buổi Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng cho biết, Luật Xây dựng là hành lang pháp lý mới trong quản lý đầu tư xây dựng, trong đó có nhiều điểm mới so với luật cũ, trong đó, sẽ làm rõ được quy trình quản lý đầu tư xây dựng đối với các nguồn vốn khác nhau; nâng cao trách nhiệm, tính chuyên nghiệp, tính nghề nghiệp của các nhà thầu; kiểm soát tốt hơn thông tin nhà thầu. Thứ trưởng Lê Quang Hùng còn cho biết thêm, đây chỉ là buổi hội thảo bước đầu để xin ý kiến, để hoàn thiện luật còn phải qua rất nhiều bước trước khi trình Chính phủ.
Mạnh Cường
 

Cu-Li

Thành viên chính thức
14/5/13
162
11
Luật Xây dựng 2014, triển khai ra sao rồi ?

Một trong những thay đổi quan trọng của Luật Xây dựng năm 2014 là quản lý chặt chẽ hơn việc sử dụng nguồn vốn Nhà nước trong đầu tư xây dựng cơ bản bằng cách đổi mới mô hình quản lý dự án đầu tư xây dựng theo hướng chuyên nghiệp hóa; áp dụng các mô hình ban quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên nghiệp theo chuyên ngành hoặc theo khu vực để quản lý các dự án có sử dụng vốn nhà nước; chấm dứt tình trạng các ban quản lý dự án hoạt động "theo mùa". Đó là khi ngành, địa phương "xin" được dự án đầu tư thì thành lập ban quản lý dự án, xong dự án thì giải thể khiến việc quy trách nhiệm (nếu có) khi công trình xây dựng có vấn đề rất khó.

Theo đó, Luật Xây dựng 2014 có những nội dung đổi mới căn bản:
Một là, phạm vi điều chỉnh của Luật đã điều chỉnh toàn diện các hoạt động đầu tư xây dựng để tạo lập ra sản phẩm cuối cùng là các công trình xây dựng, từ khâu quy hoạch xây dựng, lập báo cáo tiền khả thi, báo cáo khả thi, lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư xây dựng cho đến khảo sát, thiết kế, thi công xây dựng, nghiệm thu, bàn giao, bảo hành, bảo trì công trình xây dựng, áp dụng đối với các dự án đầu tư xây dựng thuộc mọi nguồn vốn.

Hai là, sửa đổi, bổ sung quy định về quy hoạch xây dựng để khắc phục tình trạng xây dựng tự phát, bảo đảm công khai, minh bạch đối với quy hoạch xây dựng được duyệt để các hoạt động đầu tư xây dựng được thực hiện theo đúng quy hoạch và kế hoạch. Trong đó có bổ sung các quy định về quy hoạch xây dựng khu chức năng đặc thù, tổ chức thực hiện quy hoạch xây dựng và quản lý xây dựng theo quy hoạch xây dựng.

Ba là, phân định rõ các dự án đầu tư xây dựng sử dụng các nguồn vốn khác nhau phải có phương thức và phạm vi quản lý khác nhau.Trong đó, đối với các dự án có sử dụng vốn nhà nước thì các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành phải quản lý chặt chẽ theo nguyên tắc “tiền kiểm” nhằm nâng cao chất lượng công trình, chống thất thoát, lãng phí và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư; đối với các dự án sử dụng vốn ngoài nhà nước thì Nhà nước chỉ tập trung kiểm soát về quy hoạch, quy chuẩn tiêu chuẩn, chất lượng, an toàn, bảo vệ môi trường, phòng chống cháy nổ, còn các nội dung khác thì giao quyền chủ động cho người quyết định đầu tư và chủ đầu tư, nhằm tạo sự chủ động, thu hút tối đa các nguồn lực thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng.

Bốn là, tăng cường vai trò, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành, đặc biệt là việc kiểm soát, quản lý chất lượng và chi phí xây dựng ở tất cả các khâu của quá trình đầu tư xây dựng, thông qua việc thẩm định dự án, thẩm định thiết kế và dự toán, cấp giấy phép xây dựng, quản lý năng lực hành nghề xây dựng, kiểm tra nghiệm thu công trình trước khi đưa vào khai thác sử dụng, nhất là đối với các dự án sử dụng vốn nhà nước, các công trình quy mô lớn, phức tạp, ảnh hưởng lớn đến an toàn cộng đồng.

Năm là, đổi mới mô hình quản lý dự án đầu tư xây dựng theo hướng chuyên nghiệp hóa, áp dụng các mô hình ban quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên nghiệp theo chuyên ngành hoặc theo khu vực để quản lý các dự án có sử dụng vốn nhà nước.

Sáu là, tăng cường quản lý trật tự xây dựng thông qua việc cấp giấy phép xây dựng và quản lý xây dựng theo giấy phép; làm rõ các đối tượng công trình được miễn giấy phép xây dựng; công khai, minh bạch, đơn giản hóa về quy trình, thủ tục cấp giấy phép xây dựng; bổ sung, làm rõ các quy định về giấy phép xây dựng có thời hạn, cấp giấy phép xây dựng nhà ở khu vực nông thôn…

Bảy là, quy định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, các chủ thể tham gia hoạt động đầu tư xây dựng (người quyết định đầu tư, chủ đầu tư, ban quản lý dự án, nhà thầu, tư vấn) trong từng khâu của quá trình đầu tư xây dựng. Quy định thống nhất thanh tra xây dựng (trực thuộc Bộ Xây dựng và trực thuộc các Sở Xây dựng) là cơ quan thực hiện thanh tra chuyên ngành đối với các hoạt động đầu tư xây dựng.

Tám là, bổ sung các quy định về bảo hiểm công trình xây dựng.

Để hướng dẫn thi hành Luật Xây dựng, Chính phủ dự kiến sẽ ban hành 6 Nghị định gồm:
(1) Nghị định về quy hoạch xây dựng: Quy định chi tiết về lập, thẩm định, phê duyệt đối với các loại quy hoạch xây dựng vùng, quy hoạch xây dựng khu chức năng đặc thù, quy hoạch xây dựng nông thôn; tổ chức thực hiện quy hoạch xây dựng và quản lý xây dựng theo quy hoạch xây dựng.
(2) Nghị định về quản lý dự án đầu tư xây dựng: Quy định chi tiết về lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư xây dựng; thực hiện dự án đầu tư xây dựng; kết thúc xây dựng đưa công trình của dự án vào khai thác sử dụng; các hình thức quản lý dự án; cấp giấy phép xây dựng và điều kiện năng lực hoạt động xây dựng.
(3) Nghị định về quản lý chất lượng công trình xây dựng: quy định chi tiết về quản lý chất lượng công trình xây dựng trong công tác khảo sát, thiết kế, thi công và nghiệm thu công trình xây dựng; giải quyết sự cố trong thi công xây dựng và khai thác, sử dụng công trình xây dựng; quy định về bảo hành và bảo trì công trình xây dựng.
(4) Nghị định về quản lý chi phí xây dựng xây dựng: quy định chi tiết về tổng mức đầu tư, dự toán xây dựng, định mức xây dựng, giá xây dựng, chỉ số giá xây dựng, chi phí quản lý dự án và tư vấn đầu tư xây dựng, thanh toán, quyết toán hợp đồng xây dựng, thanh, quyết toán vốn đầu tư xây dựng công trình.
(5) Nghị định về hợp đồng trong hoạt động xây dựng.
(6) Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Xây dựng về xử lý vi phạm trật tự xây dựng.

Thời hạn 01/01/2015 sắp đến rồi
 

saigonco

Thành viên cơ bản
21/5/13
460
10
Thực hiện Luật Xây dựng số 50/2014/QH13

Ngày 30/12, Bộ Xây dựng đã có công văn 3482/BXD-HĐXD gửi Văn phòng Chính phủ; Các Bộ, Cơ quan ngang Bộ, Cơ quan thuộc Chính phủ; Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty 91 về việc thực hiện Luật Xây dựng số 50/2014/QH13.


Luật Xây dựng số 50/2014/QH13 đã được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 7 ngày 18/6/2014 (sau đây gọi là Luật Xây dựng 2014) và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2015. Hiện nay Chính phủ đang chỉ đạo các Bộ khẩn trương hoàn thiện trình Chính phủ ban hành các Nghị định quy định chi tiết thực hiện Luật. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 100/TTg-KTN ngày 29/12/2014 về việc hướng dẫn triển khai thực hiện Luật Xây dựng 2014, để đảm bảo các hoạt động đầu tư xây dựng không bị gián đoạn trong khi chờ ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quy định và hướng dẫn thực hiện Luật, Bộ Xây dựng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc và tuân thủ đầy đủ các nội dung đã được quy định cụ thể của Luật Xây dựng 2014 trong khi chờ có văn bản quy định, hướng dẫn. Riêng một số nội dung Luật Xây dựng 2014 giao cho Chính phủ hướng dẫn thì được áp dụng các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn Luật Xây dựng năm 2003 nhưng không trái với các quy định của Luật Xây dựng 2014, cụ thể như sau:

I. Về phân loại dự án đầu tư xây dựng và phân cấp công trình xây dựng:

1. Phân loại dự án đầu tư xây dựng: Từ ngày 01/01/2015 dự án đầu tư xây dựng theo quy định tại Điều 49 Luật Xây dựng 2014 được phân loại theo quy định của Luật Đầu tư công.

2. Phân loại, phân cấp công trình xây dựng: Việc phân loại, phân cấp công trình theo quy định tại Điều 5 Luật Xây dựng 2014 được áp dụng theo Thông tư số 10/2013/TT-BXD ngày 25/7/2013 của Bộ Xây dựng quy định chi tiết một số nội dung về Quản lý chất lượng công trình xây dựng (sau đây gọi là Thông tư số 10/2013/TT-BXD), Thông tư số 09/2014/TT-BXD ngày 10/7/2014 của Bộ Xây dựng về sửa đổi, bổ sung một số điều tại các Thông tư hướng dẫn Nghị định số 15/2013/NĐ-CP ngày 06 tháng 02 năm 2013 của Chính phủ về quản lý chất lượng công trình xây dựng (sau đây gọi là Thông tư số 09/2014/TT-BXD).II. Về chủ đầu tư và hình thức quản lý dự án:

1. Đối với các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước được quyết định đầu tư sau ngày 01/01/2015 thì căn cứ vào điều kiện cụ thể của địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thể giao cho các Sở quản lý công trình xây dựng chuyên ngành trực tiếp quản lý Ban quản lý dự án chuyên ngành, Ban quản lý dự án khu vực do mình quyết định thành lập.

2. Các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện có trách nhiệm khẩn trương kiện toàn, sắp xếp hoặc thành lập các Ban quản lý dự án chuyên ngành hoặc Ban quản lý dự án khu vực theo quy định của Luật Xây dựng 2014 để quản lý đối với các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước.

III. Về lập, thẩm định dự án đầu tư xây dựng:

1. Lập dự án và Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng:

a) Dự án được phê duyệt sau ngày 01/01/2015 thì điều chỉnh nội dung phù hợp với quy định tại Điều 54, Điều 55 của Luật Xây dựng 2014 trước khi trình thẩm định, phê duyệt.

b) Công trình xây dựng sử dụng cho mục đích tôn giáo và các công trình xây dựng có tổng mức đầu tư dưới 15 tỷ đồng (không bao gồm tiền sử dụng đất) chỉ cần lập Báo cáo kinh tế - kỹ thuật theo quy định tại Điều 55 của Luật Xây dựng 2014.

2. Thẩm định dự án đầu tư xây dựng và Báo cáo kinh tế - kỹ thuật:

a) Đối với dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước:

- Cơ quan chuyên môn thuộc các Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành chủ trì thẩm định toàn bộ nội dung của dự án nhóm A, các dự án do các Bộ, ngành ở Trung ương quyết định đầu tư được quy định tại Điều 58 của Luật Xây dựng 2014.

- Các Sở quản lý công trình xây dựng chuyên ngành chủ trì thẩm định toàn bộ nội dung của dự án nhóm B, nhóm C và Báo cáo kinh tế - kỹ thuật quy định tại Điều 58 của Luật Xây dựng 2014 được đầu tư trên địa bàn địa phương, trừ các dự án do cơ quan chuyên môn thuộc các Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành thẩm định nêu trên.

b) Đối với dự án sử dụng vốn nhà nước ngoài ngân sách:

- Cơ quan chuyên môn thuộc các Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành chủ trì thẩm định nội dung thiết kế cơ sở quy định tại Khoản 2 Điều 58 của Luật Xây dựng 2014 đối với các công trình thuộc dự án nhóm A.

- Các Sở quản lý công trình xây dựng chuyên ngành thẩm định nội dung thiết kế cơ sở quy định tại Khoản 2 Điều 58 của Luật Xây dựng 2014 đối với các công trình thuộc dự án nhóm B, nhóm C được đầu tư xây dựng trên địa bàn địa phương.

c) Đối với các dự án sử dụng vốn khác:

Cơ quan chuyên môn thuộc các Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành chủ trì thẩm định nội dung thiết kế cơ sở quy định tại Khoản 2 Điều 58 của Luật Xây dựng 2014 đối với các dự án có công trình cấp I, cấp đặc biệt.

IV. Về thẩm định thiết kế, dự toán xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở:

1. Từ 01/01/2015, công trình chưa được phê duyệt thiết kế, dự toán thì nội dung lập, thẩm định thiết kế, dự toán xây dựng công trình được thực hiện theo quy định tại Điều 80, Điều 83 của Luật Xây dựng 2014.

2. Thẩm quyền và quy trình tổ chức thẩm định thiết kế, dự toán được áp dụng theo quy định về thẩm quyền và quy trình thẩm tra thiết kế tại Nghị định số 15/2013/NĐ-CP ngày 06/02/2013 của Chính phủ về Quản lý chất lượng công trình xây dựng (sau đây gọi là Nghị định số 15/2013/NĐ-CP) và Thông tư số 13/2013/TT-BXD ngày 15/8/2013 của Bộ Xây dựng về Quy định thẩm tra, thẩm định và phê duyệt thiết kế xây dựng công trình.

V. Về thẩm quyền kiểm tra công tác nghiệm thu chất lượng công trình xây dựng:

1. Đối tượng kiểm tra công tác nghiệm thu trong quá trình thi công và khi hoàn thành thi công xây dựng công trình được thực hiện theo quy định tại Khoản 4 Điều 123 của Luật Xây dựng 2014.

2. Thẩm quyền và quy trình kiểm tra công tác nghiệm thu trong quá trình thi công và khi hoàn thành thi công xây dựng công trình được áp dụng theo quy định của Nghị định số 15/2013/NĐ-CP, Thông tư số 10/2013/TT-BXD và Thông tư số 09/2014/TT-BXD.

VI. Về cấp Giấy phép xây dựng:

1. Những công trình được miễn giấy phép xây dựng quy định tại Khoản 2 Điều 89 của Luật Xây dựng 2014.

2. Việc cấp giấy phép xây dựng được thực hiện theo quy định của Luật Xây dựng 2014 và quy định của Nghị định số 64/2012/NĐ-CP ngày 04/9/2012 của Chính phủ về Cấp giấy phép xây dựng và Thông tư số 10/2012/TT-BXD ngày 20/12/2012 của Bộ xây dựng về Hướng dẫn chi tiết một số nội dung của Nghị định số 64/2012/NĐ-CP.

VII. Về quản lý điều kiện năng lực hoạt động xây dựng:

1. Việc cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng áp dụng theo quy định tại Nghị định số 12/2009/NĐ-CP ngày 12/02/2009 về Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình (sau đây gọi là Nghị định số 12/2009/NĐ-CP) và Thông tư số 12/2009/TT-BXD ngày 24/6/2009 của Bộ Xây dựng về Hướng dẫn chi tiết về cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng.

2. Việc đánh giá năng lực hoạt động xây dựng của tổ chức áp dụng theo quy định tại Nghị định số 12/2009/NĐ-CP và Thông tư số 22/2009/TT-BXD ngày 06/7/2009 của Bộ Xây dựng Quy định chi tiết về điều kiện năng lực hoạt động xây dựng.

3. Việc đăng tải thông tin năng lực hoạt động xây dựng áp dụng theo quy định tại Thông tư số 11/2014/TT-BXD ngày 25/8/2014 của Bộ Xây dựng Quy định công khai thông tin về năng lực hoạt động xây dựng của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xây dựng công trình.

VIII. Tổ chức thực hiện: Các quy định từ Mục I đến Mục VII của văn bản này có hiệu lực thực hiện từ ngày 01/01/2015 cho đến khi văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật Xây dựng 2014 có hiệu lực.