Công việc nào không còn có ích cho đời thì không có lý do để tồn tại

saigonco

Thành viên cơ bản
21/5/13
460
10
KTS Võ Thành Lân: “Công việc nào không còn có ích cho đời thì không có lý do để tồn tại”



Xin chào các bạn đồng nghiệp,Kính thưa Quý ông, Quý bàNghề với nghiệp là hai thứ gắn liền với nhau như hai mặt của một bàn tay. Kiến trúc sư cũng là một nghề như mọi nghề khác và cũng phải: “Mang lấy nghiệp vào thân!”.
KTS Võ Thành Lân

Thế giới nầy hàng ngày có một số nghề mất đi và cũng có nhiều nghề mới xuất hiện, đó là quy luật tự nhiên, và điều đó phản ánh một thực tế là công việc nào không còn có ích cho đời thì không có lý do để tồn tại. Chúng ta, những kiến trúc sư thật là may mắn khi chọn cho mình một cái nghề gắn liền với cái nhu cầu thiết yếu của con người từ thuở sơ khai và chắc là sẽ còn cần thiết lâu dài.Một lọai nghề đặc biệt có một thứ ngôn ngữ riêng mà ai cũng KTS có thể hiểu được trong cái thế giới rộng lớn bao la nầy. Trong thâm tâm, mỗi kiến trúc sư đều tự hào về cái vị trí xã hội đó và thường kháo nhau rằng ai muốn thành kiến trúc sư phải tốn công học hành vất vả, còn đã là kiến trúc sư thì rất dễ dàng hội nhập bằng vai phải lứa với hầu hết mọi giới trong cuộc đời. Một kiến trúc sư có thể dễ dàng nói chuyện một cách hết sức hiểu biết nhau với bác nông dân, với anh xích lô, với chàng trai miền núi, với chị bán rau ngòai chợ… có thể thù tạc không chút e ngại với nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ, thầy giáo… có thể vẽ tranh, bình luận bóng đá… và rất có khả năng nhanh chóng hiểu các chị em đang muốn gì, có vấn đề gì cần giải quyết !… – Kiến trúc sư là như thế và phải như thế vì cái nghề nầy cần như thế!Nghề kiến trúc sư chỉ có Thầy chứ không có Tổ, cho nên cái nghiệp của nó phải tự nó gánh vác, khắc chướng gì cũng phải tự mà gỡ không có Thánh thần nào ngồi sẳn đó để hối lộ, để mà cầu xin ban phước, giải oan. Cái nghiệp của kiến trúc sư cũng lớn như cái vóc xã hội của cái nghề, cũng mênh mông và bất định trong sự lu tỏ nhập nhòe của cuộc đời. Một cái nghiệp dễ dắt người ta lạc vào cái cõi phiêu diêu mộng ảo làm ta quên mất cái chức phận của mình, quên mất rằng cái nghiệp của chúng ta không phải là một thứ bí ẩn của số phận mà chỉ là một lời răn, là sự nhắc nhở : “Hãy trả nợ cuộc đời bằng chính cái nghề của mình”.- Cái nghiệp của chúng ta là như thế !, đơn giản và chân thực như thế thôi.

Nước ta hiện nay có bao nhiêu kiến trúc sư ?


– Có thể nhiều mà cũng có khi rất thiếu. Nhiều là nhiều người có bằng kiến trúc sư, ít là ít kiến trúc sự thực sự mang lên đôi vai của cái nghiệp của mình.Thực ra còn có phân lọai: kiến trúc sư già trẻ, trong Hội hay ngòai Hội, kiến trúc sư là đảng viên hay ngòai đảng; lại còn có thêm kiến trúc sư là thạc sĩ, là tiến sĩ, là giáo sư…có rất nhiều cách định danh, và mỗi danh xưng lại có không gian tư duy và họat động khác nhau thậm chí khác nhau hòan tòan.- Có người suốt đời chỉ biết làm cán bộ, làm quan chưa từng sản xuất ra một bản thiết kế nào nhưng lại rất giỏi cái việc làm cho tác giả của những bản thiết kế nào đó đó cụt hứng bất cứ lúc nào.- Có những người trên danh thiếp trước chữ kiến trúc sư có đến vài tiếp đầu ngữ được ghi rất sang trọng nhưng suốt đời hoặc từ rất lâu rồi chưa hề cầm đến cây bút vẽ thế mà lại rất thạo cái việc phát biểu trước hội đồng nầy, hội thảo nọ và làm rất tốt cái việc tạo ra những phiên bản giống y như họ cho những ai có nhu cầu.…Còn nhiều, còn rất nhiều sự khác biệt không thể tương thích nổi giữa những người mang danh là kiến trúc sư trong xã hội. Nhiều đến mức việc định nghĩa kiến trúc sư là ai, kiến trúc sư làm gì trở thành một việc không cần thiết, chỉ có những anh dở hơi mới cần có cái định nghĩa vô bổ như thế!

Có phải thực sự là như thế không ?


- Tôi hồi mới ra trường, còn trẻ ham vui, rán sức cậy cục nặn ra được một cái gọi là đồ án gởi đi dự thi quốc tế. Phước chủ may thầy, được một cái giải thưởng nho nhỏ. Thế là được lên báo lên đài, được kết nạp vào Hội, được đưa vào Ban chấp hành từ đó cho đến nay.- Cách nay không lâu, có lần tôi được Sở Xây dựng mời làm giám khảo cuộc chi thiết kế chung cư với dự án được mô tả có quy mô vài ngàn tỷ đồng với lời mời rất chân tình và thiết tha. Nhưng khi tôi hỏi thù lao trả cho tôi trong công việc nầy là bao nhiêu thì mọi thứ trở nên khác hẵn, tôi được nhìn như là một người ngòai hành tinh. Ở đâu cũng vậy, tại hội đồng thẩm định Cung hội nghị quốc gia với vốn đầu tư mấy trăm triệu đô; tại cuộc thi quốc tế quy họach Thủ Thiêm; nơi hội đồng giải thường nhà nước… không thấy ai nói gì đến thù lao cụ thể cả mà chỉ là những chiếc phong bì tùy hỉ. Cung cách đối đãi nầy thể hiện sự kéo dài của một cách nhìn về trí thức như là lọai thành phần xã hội mà ý kiến chuyên môn của họ chỉ được nhìn nhận ở mức tham khảo; thể hiện một thói quen cái gì có sẵn thì dùng và của ai muốn lấy thì lấy.- Chừng hai năm trước, một ngày đẹp trời nọ có người mang đến nhà cho tôi một cái huy chương, Huy chương vì sự nghiêp văn hóa với giấy chứng nhận do bộ trưởng Bộ Văn hóa và TT ký hẳn hoi. Dần dà hỏi ra mới biết tôi được thưởng huy chương cùng lúc với một số kiến trúc sư khác. Tự xét, tôi thấy mình thực sự có công trạng gì đâu, thì ra chỉ là vì cái danh sách xin huy chương kia nếu có thêm tên tôi xem chừng sẽ tròn trịa về thành phần cấu tạo hơn, dễ thuyết phục hơn mà thôi. Vốn là người nhẹ dạ, tôi nghĩ thôi kệ người ta vui thì mình cũng vui… Thế nhưng làm ta không thể không suy nghĩ về sự tồn tại của mình, sự tồn tại đó có phải như là một thực chất xã hội hay là một lọai chỉ cần để cấu tạo hoặc trang trí cho đẹp chơi ?!- Gần nay thôi có các bạn trẻ hỏi tôi rằng qua 30 năm làm kiến trúc sư tôi cảm nhận thế nào về nghề nghiệp của mình. Một câu hỏi tưởng chừng như đơn giản nhưng lại khó quá cho tôi để mà trả lời.Nhớ lại rằng từ khi sinh ra còn chưa biết gì, rồi thì tập ăn tập nói, rồi đi học; tới 15 tuổi thì đã biết xuất tinh, nhìn trộm con gái… và tới 18 tuổi thì biết đủ thứ, đã có thể lấy vợ, làm bố… Thế mà từ khi mang danh kiến trúc sư đến nay đã 30 năm rồi vẫn còn bối rối trước câu hỏi mình là ai và làm gì !- Tại sao thế nhỉ?, tại sao cái vấn đề lẽ ra là cái sự đơn giản nhất lại trở thành khó khăn và ám ảnh đến mức khó chịu như vậy ?Người xưa nói “Ngũ thập tri thiên mệnh” – Đêm nằm ngẩm nghĩ cái mệnh nào của mình đây?, mình đang là to hay nhỏ; To chứ, vì mình đã từng có mặt ỡ những nơi quan trọng, đã từng đứng ngồi gần các ông to nắm trong tay tiền tỷ tỷ của nhà nước , hay đã từng tiếp xúc với các đại gia bảnh chọe thứ gì cũng biết… Nhưng lại cũng rất nhỏ, nhỏ bởi vì mình chỉ được làm những cái việc mà người ta cho mới được làm, nhỏ bởi vì mình chỉ làm theo cái việc người ta biểu mình, sai mình làm mà thôi… Lớn là bởi vì mình đang có những thứ mà nhiều người khác không có, nhỏ ở chỗ người ta có cho thì mình mới có được dù anh có tài giỏi siêng năng đến mấy thì cũng một phép mà tuân thủ..!!!.

Thật tình nhiều lúc có ý định bỏ nghề vì thấy sao kỳ cục quá:


- Kỳ cục nhất là mấy ông bà chủ bên A, ai cũng trịch thượng đòi chia tiền thiết kế như thể họ có quyền ban cho hay lấy đi cái công sức lao động của mình và nếu không có họ thì sẽ không có gì cả cho anh em mình.- Cùng một công việc như nhau, nếu là người nước ngòai thì được hưởng thiết kế phí cao hơn kiến trúc sư trong nước 10-20 lần. Đồ nội có yếu hơn đồ ngọai thì cũng không thể có cách đánh giá về giá trị sáng tạo hay khả năng sản xuất chênh lệch xa đến mức như vậy.Đây không chỉ là sự phân biệt đối xử, mà từ lâu đã là một lọai vật cản không vượt qua được trên con đường đi lên và hội nhập của ngành thiết kế kiến trúc nước nhà. Cái giá thiết kế hiện nay đang đặt các kiến trúc sư và doanh nghiệp của mình trước bờ vực của sự phá sản, đang biến chúng ta thành những tên ăn cắp, ăn cắp định nghĩa theo công ước Bernt; đang biến chúng ta trở thành những tên tội đồ nhỏ nhoi và tội nghiệp.Bây giờ các cuộc thi thiết kế, người ta thích yếu tố nước ngòai và thậm chí còn tìm cách lọai hẳn các kiến trúc sư trong nước ra khỏi cuộc chơi, do vậy nhiều anh em mình do ham việc phải bấm bụng mà núp dưới một cái tên Tây tên Tàu nào đó để tìm cơ hội mong manh ngay trên sân nhà. Lẽ ra một anh nước ngòai phải theo một anh local thì mới đúng.Tình thế hiện nay là rất kỳ cục như vậy. Các ông quan chức lớn ở Bộ vô tình với dân mình đến thế sao ?! – Chắc chắn là không vô tình đâu, vì sự tồn tại những tập đòan dưới trướng của họ mới thực sự là điều cần quan tâm và càng ít đi các văn phòng thiết kế tư nhân thì càng tốt chứ sao !?- Cả nước có chừng 10 trường có đào tạo kiến trúc sư. Các trường phải tuân thủ nghiêm ngặt chương trình giảng dạy, học trò muốn được học phải qua xét tuyển kỹ càng. Nhưng bên cạnh đó mỗi tỉnh có một ông quan cấp Sở có quyền cho hoặc không cho giấy phép hành nghề và danh sách các ông quan nầy không nằm trong một danh mục nào cả !- Với tấm bằng kiến trúc sư cộng thêm một số quen biết cần thiết, kiếm một chỗ ngồi cấp phép xây dựng, một chân quản lý dự án, hay quản lý một vài thứ lằn nhằn gì đó ở các cơ quan quản lý xây dựng, quản lý kế họach, quản lý đầu tư… xem chừng kiếm ăn khá hơn và bảnh bao hơn, được người ta xum xoe ve vuốt, hơn là phải khoanh tay cúi đầu nhịn nhục trước những cái “thùng rỗng” và gò lưng trên bản vẽ với cái mộng tưởng làm đẹp cho đời.Và còn nhiều thứ trái khóay khác có kể hết cũng đến mai !Và cứ như thế cái nghiệp đời phủ cái bóng đen to lớn của nó cái nghiệp nghề bất phân phải trái, trắng đen. Và cứ như thế mỗi ngày một chút, cái nghề kiến trúc sư trở thành cái nghề vẽ thuê, cái nghề làm dịch vụ, là cái cớ góp phần thực hiện những toan tính nhiều mầu lắm vẻ nhưng bên trong chứa đựng không ít điều hắc ám.

Chân thành xin lỗi các đồng nghiệp!


Chả có mấy khi gặp gỡ nhau đông đúc thế nầy. Thường thì tiêu chí vui vẻ được đặt lên hàng đầu trong những cuộc anh em đồng nghiệp có dịp gần gũi nhau, vui vẻ là cần thiết, là thuộc tính tự nhiên của kiến trúc sư, không ai giỏi hơn các kiến trúc sư về việc tạo ra sự vui vẻ dù bất cứ ở đâu và trong hòan cảnh nào.Và song song, cũng không ai hơn kiến trúc sư về cái khả năng nhận ra chân tướng những éo le của cuộc đời. Chúng ta không bi kịch hóa cuộc đời, cũng như không tự huyễn hoặc mình trong một cái bối cảnh không gian mộng tưởng nào đó, kiến trúc sư là những người vui vẻ và chân thực, hồn nhiên và đáng yêu.Một tiếng nói chung nào đó ở đây vào lúc nầy theo tôi nghĩ đều không ngòai mục đích bảo vệ cái tính chất nghề nghiệp trong sáng và yêu đời của chúng ta, trong mỗi người chúng ta bắt đầu từ việc dẹp bỏ tự ái và những lời thị phi sang một bên mà định nghĩa lại: Ai là kiến trúc sư ?, và bao giờ thì ta thực sự là một kiến trúc sư ? – Phải kiên trì trả lời cho được câu hỏi nầy dù đó là một câu hỏi khó trả lời, bởi vì tuy không khó về nội dung và chữ nghĩa mà lại rất khó ở tại lòng người !Không vượt qua được câu hỏi nầy thì làm sao cái nghiệp nghề và cái nghiệp đời thành một được – Làm sao để khi nói đến kiến trúc sư thì chủ yếu là nói đến người làm công việc sáng tác và thiết kế thực sự chứ không phải đánh đồng với kiến trúc sư quan, kiến trúc trúc sư quản lý, kiến trúc sư thầu, kiến trúc sư chạy chọt… Một khi câu hỏi còn đó thì chúng ta còn phải sống theo cái kiểu phân thân nửa vời và trong hòan cảnh nầy chúng ta có gặp nhau thì cũng chỉ gặp có một nửa của mỗi người mà thôi. Một ngàn cái một nữa cũng không bao giờ thành một được.Có vui cũng là vui gượng kẻo mà…
Nguồn Tre làng Kiến Việt