Làm nghề xây dựng cần phải biết gì ?

  • Người khởi tạo Người khởi tạo dutoanct
  • Ngày gửi Ngày gửi

dutoanct

Thành viên cơ bản
24/12/15
8
4
KỸ NĂNG CẦN THIẾT CỦA NGƯỜI LÀM XÂY DỰNG

Thỉnh thoảng tôi có tham gia giảng dạy ở một số trường Đại học và một số khoá học chuyên môn. Nhờ những trải nghiệm thú vị này mà tôi có thêm được nhiều Đệ ( Đệ nhé, không phải đệ tử, vì tôi chưa đủ cơ để tự nhận mình là sư phụ). Các đệ hay hỏi tôi một câu rất thường, nhưng cũng rất khoai: “ Làm xây dựng cần có những yếu tố gì để thành công?”. Tôi cũng chẳng biết trả lời thế nào cho phải, vì tôi cũng chưa phải nhân vật vĩ đại gì, vẫn là một tên lất bất nhiều hơn. Thôi thì liệt kê những cái mà tôi nghĩ dân “ xi măng cát sỏi” chúng ta cần biết, cần có. Cái này, đơn thuần chỉ là liệt kê, có cái tôi đã làm được, có cái chưa, nhưng đại loại là vậy.
  1. Phải biết đọc bản vẽ, lập dự toán, lập hồ sơ thầu: Cái này thì giống như làm bác sĩ phải biết dùng tai nghe, làm nông dân phải biết dùng cày cuốc vậy. Chưa vững những cái này thì đừng nói đến chuyện “ hành nghề” làm gì. Mà những cái này, nhà trường chẳng dạy nhiều, nên phải tìm hiểu thêm bên ngoài nhiều vào. Cái này thực là yêu cầu sống còn đối với người làm nghề xây dựng. Tôi đã từng gặp những bạn sinh viên có bảng điểm khá đẹp, nhưng loay hoay mãi với bộ hồ sơ thầu, không biết làm thế nào cho phải. Những tình huống như vậy, thật ko biết nên cười hay nên khóc nữa.
  2. Phải biết kỹ năng tin học cơ bản: sử dụng tốt các phần mềm, xử lý tốt các sự cố thường găp của máy tính, sử dụng tốt tin học văn phòng. Sẽ có đôi lúc, bạn chẳng ở công ty mà nhờ bộ phận văn phòng hay bộ phận IT giúp đỡ. Nhất là những bạn thường xuyên đi công trình thì việc kiêm nhiệm đa năng như vậy càng nhiều, càng phải rành rẽ.
  3. Phải biết tập trung cao độ trong công việc: Tôi thường đòi hỏi ở nhân viên tốc độ. Và không bao giờ chấp nhận kiểu làm việc cưỡi ngựa xem hoa. Có thể với tốc độ đó, anh sẽ có sai sót. Không sao, sai sẽ sửa. Nhưng không ai sửa nổi thái độ làm việc nửa vời, vừa làm vừa chơi được. Và tôi nghĩ ông sếp nào cũng vậy thôi, thích nhân viên làm 2 tiếng chơi 2 tiếng hơn là vừa làm vừa chơi trong 4 tiếng. Bạn cứ luyện sự tập trung và tốc độ đi, điều này sẽ giúp cho bạn rất nhiều.
  4. Phải biết nhậu: Phải biết. Biết nhậu nghĩa là phải uống được, phải biết được điểm dừng, phải kiểm soát được bản thân. Hầu hết các chữ ký được thực hiện trên bàn nhậu, nên chỉ cần anh thể hiện sai phong độ thôi là đã có thể kéo theo những sai lầm đáng tiếc rồi. Nếu anh không biết nhậu, chẳng ai phạt được anh, chẳng ai bắt được anh, nhưng chắc chắn anh sẽ gặp khó khăn hơn những người biết cầm ly “1,2,3 Dzô” một cách vui vẻ! Vì cái này mà tôi đã phải trả giá khá đắt, phải sử dụng men hỗ trợ tiêu hoá trong một thời gian dài.
  5. Phải có sức khoẻ: với những người đi công trình thì không nói làm gì rồi nhé. Thường xuyên sống trong môi trường thiếu thốn, thậm chí là nguy hiểm, nên sức khoẻ không đảm bảo thì chỉ có nước về nhà an dưỡng thôi. Nhưng những anh ít phải chạy đây chạy đó cũng phải chuẩn bị tinh thần cho những đợt cao điểm, có thể làm liên tục mấy ngày liền không ngủ, ăn bánh mì uống nước lọc trừ bữa. Bản thân tôi, giai đoạn cao điểm, đã từng kéo dài tình trạng ngủ 2 tiếng 1 ngày hàng tháng trời. Kiểu thư sinh mềm yếu, khó mà chịu được.
  6. Phải chịu được nhiệt: Một phần như lý do thứ 4. Một phần nữa là phải chịu được những tình huống phát sinh khác: công trình gặp sự cố, bản vẽ và hiện trạng không giống nhau, sự chồng chéo công việc giữa các bộ phận. Chịu nhiệt trong công việc không bằng một phần so với chịu nhiệt từ những tác động ngoài. Anh mà không tỉnh, không vững sẽ bị tẩu hoả nhập ma, sẽ tự đưa mình vào một mớ bòng bong ngay.
  7. Phải biết chửi: Nói một cách nghiêm túc đấy. Chửi làm sao cho nó sợ, nó phục mà nó ko thù dai. Chửi sao cho nó phải nghe mình mà không ấm ức. Chửi sao cho sau khi chửi vẫn kéo nhau đi nhậu được. Chửi sao cho nó chửi lại mình mà 2 thằng ko ghét nhau. Cả một nghệ thuật đấy. Phải biết tung hứng, biết mềm cứng đúng lúc, phải biết tạo kịch bản win- win vào phút cuối. Ấy mới là biết chửi. Với dân suốt ngày bê tông sỏi đá bản vẽ này không có dùng từ ngon ngọt dịu dàng được, phải đao búa mới chịu, mới khoái ( nhưng tôi cũng chưa được đến trình độ này, cũng đang tập chửi để lên level :D).
  8. Phải biết quan hệ: Ngành nào cũng cần, nhưng xây dựng thì đặc biệt cần. Anh sẽ không bao giờ tồn tại nổi nếu anh không có bạn bè, không có đồng nghiệp. Anh phải biết làm việc nhóm. Anh phải biết ngẩng đầu lên để học hỏi các bậc tiền bối. Anh phải cúi xuống để giúp đỡ đàn em. Anh phải biết bắt tay với các đồng nghiệp, đối tác để mở mang tầm hiểu biết. Cái nghề mà khó nhận định ai giỏi hơn ai này, anh biết càng nhiều thì công việc của anh càng được hỗ trợ nhiều. Nếu anh có cơ hội được tham gia một dự án từ lúc mới bắt đầu nhen nhóm đến khi kết thúc, anh sẽ hiểu tầm quan trọng của các “ cánh tay phụ” của mình. Cũng là một may mắn khi tôi có những bậc tiền bối luôn sẵn sàng chỉ bảo, có những người bạn đồng nghiệp luôn sẵn sàng chia sẻ giúp đỡ. Có lẽ đây là điều quý nhất tôi có được trong sự nghiệp của mình.
  9. Phải biết tự nghiên cứu: Cứ mỗi ngày không tìm hiểu, là một ngày mình bị tụt so với xu thế. Chưa nói gì xa xôi, riêng cái khoản cập nhật các thông tư, quy định mới của nhà nước về ngành cũng đã khiến anh hoạt động não bộ gần như hàng ngày rồi. Các công nghệ xây dựng mới, các phần mềm ứng dụng mới, các xu hướng mới... Chỉ cần một cái không biết, cũng có thể dẫn đến nguy cơ khi ngồi nói chuyện mà mình như đứa trên sao Hoả xuống, vì người ta nói đông nói tây mà mình chẳng hiểu gì sất.
  10. Phải biết chém gió: Lại nói về nói đông nói tây. Anh biết, nhưng anh không biết cách nói, không biết cách dẫn dắt diễn đạt thì cũng hỏng. Cùng một vấn đề, nhưng cách nói khác nhau sẽ đưa đến những kết quả khác nhau. Cùng một vấn đề, cùng một cách giải quyết, nhưng đôi khi chủ đầu tư lại gật gù tán thưởng với anh A mà khăng khăng không chấp nhận anh B, ấy là vì “ cái miệng có gió” của anh A mạnh hơn anh B. Cái này phải luyện nhiều, thuyết trình nhiều, trình bày nhiều, phản biện nhiều, và như trên đã nói, đôi khi phải chửi nhiều :D
  11. Phải biết đặt mình vào vị trí người khác: Cái này là điều cần thiết để có thể đưa ra được yếu tố Win- win. Đôi khi cũng phải đứng phơi nắng phơi sương, cầm cái bay để hiểu cái cực của công nhân. Đôi khi cũng phải “ nghe chửi” từ chủ đầu tư để biết các sếp của mình áp lực thế nào. Đôi khi cũng phải chịu nghèo chịu khổ để biết cảm giác của cả đội khi bị chậm thanh toán. Và đôi khi cũng đặt mình vào trường hợp người khác để biết người ta sai sót chỗ nào mà chấn chỉnh – biết người biết ta ( cái này thì hơi phũ phàng).Nói chung, khi mình biết đặt mình vào vị trí người khác, mình sẽ hiểu hơn, sẽ biết thông cảm hơn, từ đó sẽ win- win một cách đơn giản mà vui vẻ hơn. Nguyên tắc này luôn đúng, trong mọi trường hợp.
  12. Phải biết chơi thể thao: Không chỉ để rèn luyện thân thể, mà đây còn là một cách để xả xì trét, hơn nữa còn làn một kênh để kết nối với nhiều người. Sau một ngày bù đầu với bản vẽ hoa cả mắt, kéo nhau đi làm một trận đá bóng, một chầu tennis. Đó cũng là một cơ hội để đồng nghiệp gần gũi với nhau hơn, sếp gần với nhân viên hơn.( Nhân tiện, có bạn nào tư vấn cho tôi môn thể thao nào hợp với người béo phì, cận thị như tôi không, chỉ với)
  13. Phải biết hưởng thụ: Làm việc trong môi trường áp lực như vậy, nếu anh không biết hưởng thụ cuộc sống, anh sẽ khó có được trạng thái cân bằng. Đây cũng là vấn đề thường gặp của dân trong nghề: “ không cân bằng được công việc và cuộc sống”. Lâu lâu tự thưởng cho mình một kỳ nghỉ đúng nghĩa với gia đình, học một môn nghệ thuật nào đó( nhiếp ảnh chẳng hạn). Cuộc sống sẽ “ dễ thở” hơn nhiều khi mình biết “ quẳng gánh lo đi và vui sống”.
  14. Phải biết chấp nhận thất bại: Thất bại nhỏ là khi bản vẽ bị gạch te tua be bét. Thất bại vừa là khi rớt hợp đồng. Thất bại lớn là khi..( thôi cái này không nói đâu). Còn nhiều các thể loại thất bại nữa. Nhưng đã làm nghề xây dựng, anh phải biết chấp nhận điều đó. Mỗi khi gặp thất bại, hãy nghĩ đến quy luật được- mất. Và có một bí mật nhỏ, bạn gặp thất bại càng sớm, thì bạn thành công càng sớm. Và những thất bại bạn gặp khi còn trẻ tuổi sẽ dễ vượt qua hơn là khi bạn đã nhiều năm tuổi nghề rồi mới gặp. Bắt đầu sự nghiệp riêng lúc 23 tuổi, không biết bao nhiêu lần bầm dập, bao nhiêu lần te tua từ “cõi ấy” trở về, để đến giờ tôi có cái nhìn hoàn toàn khác về những khó khăn.Vậy nên, đừng ngại thử thách, đừng vì 1 thất bại nhỏ mà nản. Bạn đang gặp may đấy, vì bạn gặp chúng sớm hơn, sau này bạn sẽ không bao giờ gặp lại nữa.
  15. Phải biết đam mê: Trong cái thế giới khô khan của ngành xây dựng, nếu anh không đủ lửa để giữ đam mê với nghề, nhiều khả năng anh sẽ bị out, hoặc là tự out. Nhiều người sau một thời gian theo đuổi đã rẽ sang nghề khác là vậy. Áp lực, vất vả, bị nhiều yếu tố chi phối là đây. Nên nếu như anh cứ mãi sống xoàng xoàng, cứ mãi dật dờ, thì không sớm thì muộn anh sẽ cảm thấy như mình đã chọn nhầm nghề!
  16. ...
  17. ....
  18. ....
Còn nhiều cái phải nữa. Nhưng nói nhiều thành ra lại là đứa đi dạy đời, và chắc chắn khi đọc cái này sẽ có nhiều người nói tôi xúi dại :D, vì có những cái “ phải biết” sao mà tào lao bí đao quá. Thôi tào lao vài dòng vậy đã, ai thấy kiếm được chút gì hay thì cứ thế mà dùng. Thằng bạn ới đi làm vài chai để luyện công rồi :D. Nếu các bạn hứng thú thì Version 2 sẽ nói thêm :D.
Nguyễn Tiến Toàn – CTSC – www.ctsc.vn
(Bạn thấy hay thì bấm nút share ở dưới để chia sẻ cho đồng nghiệp, em út và để mình lấy động lực viết tiếp nhé. Tks! )
 
LÀM NGHỀ XÂY DỰNG CẦN PHẢI BIẾT GÌ ( PHẦN 2)

Với “ làm nghề xây dựng cần phải biết gì ( phần 1)” đã nhận được khá nhiều phản hồi cũng như chia sẻ, “ kẻ cơ hội” này muốn múa bút lần nữa về chủ đề này. Phải học theo sô- bít thôi, đang nóng là phải làm tới luôn. Có nhiều bình luận, tin nhắn cũng như chia sẻ mà tôi đã nhận, có một số tôi đã trả lời, một số nữa thì các bạn thông cảm giùm nhé. Đa số đều khá ủng hộ, duy có phần về “ tửu công” là có khá nhiều ý kiến khác nhau. Cái hình ảnh “ hợp đồng được ký trên bàn nhậu” chỉ là cách nói ví von, ý là công việc sẽ trôi chảy hơn nếu mình có thêm món kungfu này thôi. Tất nhiên, như đã nói, đó cũng không phải là vấn đề quyết định đến toàn bộ công việc. Việc cà kê với nhau chẳng qua như một chất xúc tác thêm thôi. Nghĩ cũng là điều dễ hiểu mà. Do tính đặc thù giới tính của công việc ( chủ yếu là nam), nên để hiểu thêm về nhau, thường sẽ chọn địa điểm là quán nhậu nhiều hơn là quán cà phê. Nói chung, rượu bia trong ngành xây dựng cũng như chất phụ gia thêm trong bê tông, vậy thôi. Nam vô tửu như cờ vô phong. Mà dân xây dựng nhà mình thì lúc nào mà chả nam tính có thừa ….Nếu ai không biết cũng không sao, nhưng tôi vẫn ủng hộ là biết nhậu ( vì tôi cũng khoái nhậu mà). Một vấn đề nữa, tôi không phải là tay viết chuyên nghiệp, cũng chưa phải là chuyên gia trong nghề, nên những gì tôi viết hoàn toàn chỉ mang tính chia sẻ những gì tôi nghĩ và tôi thấy. Có thể đúng với người này nhưng sai với người khác, hợp với người này nhưng không hợp với người khác. Vì viết trên quan điểm cá nhân, cũng chẳng qua là tập hợp lại những gì đã góp nhặt qua những lần cà kê với bạn bè đồng nghiệp thôi. Được các bạn ủng hộ nhiều thì tôi tiếp tục chia sẻ, chứ hoàn toàn không có ý dạy dỗ hay đụng chạm gì ai đâu. Nếu như tôi muốn một bài viết mang tính “ bác học”, thì tôi sẽ không sử dụng những từ ngữ, câu cú tuỳ tiện như thế này được. Tếp tục cho chuỗi những điều cần biết khi làm ngành xây dựng( trong mắt tôi) nhé!

16. Phải biết cọ xát thực tế: Với nghề này, tấm bằng đẹp khi ra trường sẽ không hẳn là tấm vé hoàn hảo cho bộ hồ sơ, nếu như anh không có kinh nghiệm thực tế. Vì vậy, mới có chuyện đòi hỏi anh không những có tấm bằng mà còn phải có cả những chứng chỉ HÀNH nghề, phải chứng minh được kinh nghiệm làm việc. Không chỉ là thực tế khi tính toán, triển khai bản vẽ, lên dự toán, lập hồ sơ thầu mà còn phải biết những công việc tưởng chừng rất đơn giản khác. Tôi biết một trường Đại học dân lập, khoa xây dựng của trường đó có một môn học giống như thực hành nghề. Sinh viên sẽ phải cầm bay, trộn vữa, lát gạch để xây hoàn thiện một ngôi nhà nhỏ. Đây là điều mà tôi thấy không phải trường nào cũng để ý để thực hiện cho sinh viên. Tôi cũng nhận được khá nhiều email của các bạn sinh viên mới ra trường, sẵn sàng xin vào làm không lương để học hỏi kinh nghiệm. Và tôi cũng có chơi với nhiều anh bạn, lăn xả nhiều năm trên công trường, cầm bay, trét vữa, trộn hồ... còn chuẩn và “ ra dáng” hơn cả mấy anh thợ. Tôi luôn đánh giá cao và khâm phục những tinh thần sẵn sàng làm việc như vậy.

17. Phải biết về phong thuỷ: Tôi không khuyên các bạn trở thành thầy phong thuỷ. Phong thuỷ bao la lắm, rộng lắm, nhiều thứ phải học lắm. Nhưng cũng nên biết sơ sơ đôi chút. Để biết mà chém gió với chủ đầu tư, với khách hàng. vì bạn là dân xây dựng, thi thoảng người thân nhờ vẽ nhà, thiết kế nhà …. thì cũng nên biết tí chút về phong thủy mà chém chứ. Chỉ cần khoảng một tuần nghiền ngẫm trên Internet là đã có những kiến thức cơ bản nhất rồi. Vì phong thuỷ trong kiến trúc bây giờ cũng rất phổ biến rồi. Còn bạn nào mà lười nữa, thì bao tôi vài chầu nhậu, tôi vẽ cho “ vài đường cơ bản”. Cơ bản thôi nhé, vì tôi cũng chỉ biết đến “ cơ bản” thôi.

18. Phải biết dùng công nghệ thay SỨC người: Cái mà tôi muốn đề cập ở đây là các phần mềm hỗ trợ trong công việc: phần mềm tính toán, vẽ kết cấu, phần mềm dự toán, phần mềm quản lý dự án... Nhiều lắm. Học món này chưa xong đã có thêm món mới để học …Nếu cần thiết, tôi sẽ list ra những phần mềm cơ bản nhất thường được dùng trong xây dựng để các bạn tham khảo thêm. Bây giờ, việc ứng dụng công nghệ thông tin đã quá phổ biến rồi, nên việc sử dụng các phần mềm để tiết kiệm sức lực, tăng hiệu quả và độ chính xác trong công việc là việc quá nên làm. Như tôi, bên cạnh nghề chính là xây dựng, thì tôi đặc biệt đam mê với lĩnh vực tin học, và đang ấp ủ những sản phẩm có tính ứng dụng cao cho ngành xây dựng của mình. Cái này nếu ai quen với tôi thì có lẽ sẽ không còn xa lạ nữa nhỉ. Mai mốt về già, giải nghệ vì không còn đủ sức khoẻ để theo đuổi, thì tôi sẽ làm người bán phần mềm dạo. Gặp tôi thì nhớ nhắc, tôi giảm giá cho :D

19. Phải biết chăm sóc bản thân: Biết là dân xây dựng thường đi liền với hình ảnh xuề xoà qua loa, nhưng đôi khi cũng phải biết tút tát một chút. Chăm sóc “ mặt tiền”, rồi còn phải chăm sóc sức khoẻ nữa. Trong môi trường làm việc căng thẳng, bụi bặm khắc nghiệt, và cả nhậu nhiều (?!?) thì việc kiểm tra sức khoẻ thường xuyên là điều cần thiết. ( Khổ, tôi cũng biết vậy, nhưng mà việc đến bệnh viện kiểm tra sức khoẻ sao mà khó quá. Có anh bạn làm ở BQLDA bệnh viện Chợ Rẫy bảo cứ vào ảnh đưa đi một vòng khám tổng quát mà chịu…).

20. Phải biết từ chối: Cái này có lẽ sẽ đề cập đến một vấn đề nhạy cảm của nghề: rút ruột công trình, nhận bao thư lì xì. Biết rằng đụng tới vấn đề này dễ bị anh em ném đá lắm chứ nhưng tôi cũng xin mạn phép đề cập sơ sơ bởi bản thân tôi cũng từng tiếp xúc với một vài trường hợp điển hình. Số là nhiều cậu nhất quyết ra trường cứ phải đi thi công cơ vì nghe đâu thấy mấy đàn anh làm 2-3 năm đã tậu được nhà thành phố rồi. Có cậu chưa chịu cưới vợ bởi lời giải thích đơn giản là “cố chờ anh 2-3 năm nữa ổn định anh kiếm tiền mua nhà cái đã” :D …Nếu anh không biết nói lời từ chối, thì sẽ có những thứ khác chào đón anh: là phê bình, là trách nhiệm, là danh dự, thậm chí là nhà đá. Bản lĩnh của anh đến đâu, trong những tình huống cụ thể như vậy sẽ là một phép thử rõ ràng nhất, dễ thấy nhất. Tuy nhiên, nói vậy thôi chứ cứ đúng luật, đúng lệ, đảm bảo an toàn thì cứ linh động xíu xíu chắc chẳng sao nhở :D rập khuôn quá kẻo chẳng có ngày ổn định để rước nàng về dinh :D

21. Phải biết nịnh: Cái này thì dùng thường xuyên nhé. Nịnh sếp, việc gấp sếp giãn tiến độ ra một chút, gấp quá bọn em thở không có nổi. Nịnh nhân viên với thợ chịu khó tăng ca một chút, dự án này quan trọng lắm, đừng để có sơ suất gì nha. Đặc biệt, hôm nay lên facebook thấy có anh bạn mới quen đăng xì tây tớt xin phép vợ cho anh đi “ tiếp khách” nha, về muộn chút xíu đừng bỏ rơi ở ngoài cửa nha... Về vấn đề này, cùng với chuyện bằng cấp, tôi rất khoái một câu truyền miệng khá phổ biến của anh em chúng ta: “ Bằng gì cũng chẳng vượt qua được bằng lòng”, hê hê. Nghe thì hơi chối tai, nhưng không phải là không có lý.

22. Phải biết kể khổ, biết than: Cái này song song với “nịnh kungfu”. Đối tượng áp dụng: Với nhiều đối tượng khác nhau. Thời điểm áp dụng: lúc bị trễ tiến độ, trễ thanh toán, trễ giờ về nhà. Còn than thế nào, cái này phải phụ thuộc vào các bạn. Nói như các bạn trẻ bây giờ hay nói, “ ăn mày tình cảm” nó cũng khó lắm, không phải ai làm cũng được đâu, cũng là cả một nghệ thuật đấy.

23. Phải biết tìm cơ hội trong thử thách: Trong hoàn cảnh khủng khoảng kinh tế, việc ít, nhiều người lại đâm ra lo sợ, mà ko nghĩ lạc quan rằng đây là thời điểm để mình làm những việc mình chưa làm được trước đó vì bận bịu: học thêm ngoại ngữ, “ sưu tầm” thêm những chứng chỉ hành nghề còn thiếu, học thêm nhiều khóa bồi dưỡng nghiệp vụ, nghiên cứu về một ứng dụng kỹ thuật công nghệ mới... Con gấu mùa đông không tiện đi kiếm mồi, nó còn biết tận dụng ngủ một giấc thật dài cho lại sức, sao mình ko nhân cơ hội này mà trau dồi bản thân để đến khi cơn bĩ cực qua rồi, mình lại thêm vững vàng chắc chắn? Về vấn đề tìm cơ hội trong thử thách thời khủng hoảng này, tôi cũng sẽ tiếp tục chia sẻ với các bạn:” Nghề xây dựng cần làm gì vượt qua khủng hoảng?”, nếu các bạn có hứng thú( dạo này tự nhiên thích viết xàm xàm, nói những điều vớ vẩn nhắng nhít như vậy). Đến đây thì tôi xin tạm khép lại những chuỗi “ phải biết” của nghề xây dựng. Tất nhiên, như đã nói, đây chỉ là khép lại dưới cái nhìn của cá nhân mà thôi. Các bạn có thêm ý tưởng nào, thì cứ chia sẻ nhé, tôi sẽ tập hợp và bổ sung vào, để nhiều người được biết hơn( yên tâm, tôi sẽ đảm bảo quyền tác giả của các bạn mà, vấn đề này thì tôi đặc biệt để ý :D). Chuỗi “ phải biết” này càng nhiều góp ý thì anh em xây dựng sẽ càng hoàn thiện hơn, đúng chứ nhỉ? Anh em có thể chia sẻ qua facebook, website, điện thoại, email đều được hết. Gì chứ buôn chuyện nghề, lúc nào tôi cũng khoái hết.

Nguyễn Tiến Toàn - CTSC - www.ctsc.vn
 
Bác chủ thớt ới, em hỏi thật bác là sản phẩm bên bác có gì ưu hơn G8 Bên em mấy đứa đang kêu trời Em đang nói chúng nó là cứ tìm hiểu kỹ đi, tiền phần mềm dự toán đáng là bao
 
bravia;n342 nói:
Bác chủ thớt ới, em hỏi thật bác là sản phẩm bên bác có gì ưu hơn G8 Bên em mấy đứa đang kêu trời Em đang nói chúng nó là cứ tìm hiểu kỹ đi, tiền phần mềm dự toán đáng là bao

Giờ người ta chê G8 rồi
chuyển về Bắc Nam vì đơn giản nó là file Excel
 
chắc chưa!! tôi thấy nhiều khi phải biết cả luật rừng nữa
Không thấy bác viết được bài nào ra hồn như đã hứa, toàn thấy đi spam kiếm điểm

như em
itd_3d_ani_w100_smiles_004.gif
 
Không thấy bác viết được bài nào ra hồn như đã hứa, toàn thấy đi spam kiếm điểm

như em
itd_3d_ani_w100_smiles_004.gif
rõ khổ! nhìn viết 1 bài mất tận 10 điểm. Xót lắm chứ! đành phải đi tương tác kiếm điểm vậy! diễn đàn chuyên môn, đăng mấy bài quảng cáo không thích lắm... :D
 
Mình thấy bài viết hay. Có tâm. Nhưng làm nghề gì cũng phải có tâm, kỹ năng giao tiếp với ngoại giao. Giống như bên mình chuyên cung cấp cáp thép, vật liệu cho chủ thầu xây dựng. Ngoài phải ngoại giao, ăn nhậu còn phải biết chung chi đủ thứ. Giỏi là 1 chuyện nhưng ngoại giao người ta mới biết tới mình. Có nhiều hôm đi công tác tới mấy tỉnh miền Tây cả tuần lễ. Hết đi ra công trường thăm dự án thì miệt mài trên bàn nhậu với khách, chủ thầu. Về lại TP.HCM thì lại cắm đầu đi xem vật liệu, kiểm định các thứ!!! Hỡi ôi cái bao tử nó muốn đi đời luôn.
Ai cũng nghỉ đi làm xây dựng toàn đi đây đi đó ngoại giao là sướng. Thử làm mới biết khổ cực ra sao!
 
Làm nghề xây dựng thì kỹ năng đầu tiên là phải biết đòi được nợ






Làm nghề này bây giờ tìm được việc đã khó, làm xong còn bị Chủ đầu tư tìm cách xù nợ hay chiếm dụng vốn của nhà thầu, thầu chính quay lại chiếm dụng vốn của thầu phụ và nhà cung cấp vật tư, thầu phụ thì quay lại tìm cách xù nợ nhân viên.
 
Bao nhiêu năm nay với cơ chế quản lý và vận hành xã hội theo hướng suy thoái đạo đức và chuyên môn, thi công ngân sách thì nợ lầy kiểu ngân sách , vốn ngoài ngân sách nhà nước thì có trò chiếm dụng riêng. Khốn nạn nhất là xuất hóa đơn VAT rồi nhưng không được thanh toán, CĐT chiếm luôn khoản VAT này mà mình phải trả ngay VAT cho nhà nước. Rồi còn cái trò chứng chỉ năng lực, chứng chỉ hành nghề ....

Thôi lỡ theo nghề rồi, mà bản thân thì cũng cà rốt không thể thi đậu làm bác sĩ hay công nghệ thông tin, tắc lưỡi