MBA. Phan Anh – Mô hình thương mại điện tử hay chỉ là bán nước bọt trực tuyến?

  • Người khởi tạo Người khởi tạo banhbeo
  • Ngày gửi Ngày gửi

banhbeo

Thành viên cơ bản
28/9/15
568
36
Bài viết này lý giải cho câu chuyện vì sao một số website thương mại điện tử chết sặc, một cái chết từ từ và đau đớn giống như bệnh ung thư, chết khi hết tiền!

Một số website thương mại điện tử mô hình B2C “có chút tên tuổi” như beyeu (bán đồ trẻ em), 4eva (bán đồ lót và quần áo cho phụ nữ), deca (bán sữa bỉm cho trẻ em) và một số website thương mại điện tử khác không có tên tuổi, không có nhà đầu tư tên tuổi khác, chết đều không có người thổi kèn, dù CEO và Nhà đầu tư đã tận tình cứu chữa bằng cách chi tiền quảng cáo.

Thứ nhất: mô hình kinh doanh thiếu muối.

Một số mô hình kinh doanh này dựa trên sự copy và nhạt nhẽo, bằng cách đó, lập một website (thuê nhân viên code về lập web); tìm nhà phân phối, nhà sản xuất, nhà cung cấp hàng hóa và thảo luận “ăn phần trăm”; tìm nhân viên sales phát triển hợp đồng với các nhà cung cấp; chụp ảnh, úp ảnh, viết nội dung giới thiệu sản phẩm và làm marketing online (seo, adwords, google hiển thị, video, email, các mạng hiển thị nội địa v.v…) và ngồi chờ những con ruồi sa vào vũng mật. Giả định rằng có ruồi trong vũng mật, bạn sẽ có lãi, và số tiền lãi đó bù được chi phí hoặc sinh lời dựa vào quy mô thị trường lớn đến hàng nghìn đơn hàng/ ngày. Nhưng tiếc rằng “điều đơn giản đó cũng không xảy ra”. Có thể khẳng định, những mô hình kinh doanh này bây giờ sinh viên năm nhất cũng có thể nghĩ ra và làm được, vấn đề là ở quy mô như thế nào. Mô hình sao chép, dễ bị tổn thương, ít hoặc thiếu, hoặc thậm chí là “không có giá trị”, “không có khác biệt”, “không có tính mới”, nên dẫn tới sự khó khăn thu hút khách hàng.

Bản chất của những mô hình này chỉ là mô hình bán nước bọt trực tuyến, mà không có giá trị riêng cho khách hàng, càng không có lợi thế về quy mô, không sản xuất được hàng hóa, chủ động được nguồn hàng giá tốt, mô hình quá đơn giản và sơ khai của thương mại điện tử hiện đại.

Thứ hai: sai lầm từ chiến lược “tiện tay dắt bò”

Hầu hết những cái tên chết yểu trong thị trường thương mại điện tử Việt Nam hiện nay (một số ít cái tên được biết và nhiều cái tến chết trước khi được biết) có vẻ như đều có chung chủ đầu tư, đơn vị chủ quản cũng đã từng ít nhiều thành công với một số dịch vụ thương mại điện tử khác: deca – dự án kinh doanh của 24h; beyeu, 4eva có liên quan đến webtretho. Họ có lý do để theo đuổi chiến lược kinh doanh mà trong sách Binh pháp Tôn tử gọi là “tiện tay dắt bò”, tức là cùng chung tập khách hàng sẵn có, có kênh truyền thông “nhà trồng được” và ứng dụng công nghệ sẵn có, họ nghĩ rằng “tại sao không thử” và ném vào đó một số tiền để làm. Nhưng tiếc rằng khách hàng phiên bản 2015, 2016 hiện tại không phải là những con bò, vì họ đã được tiến hóa hơn và có vẻ sắp đạt tới mức độ “người tiêu dùng thông thái”, chính vì thế, sau một thời gian “tiện tay dắt bò”, chủ đầu tư ngoảnh lại nhìn thì chỉ còn thấy mỗi cái dây thừng.

Thứ ba: cạnh tranh khốc liệt

Đừng tưởng những ông lớn trong cuộc chơi tại thị trường này là có lợi thế! Tin hay không thì tùy bạn, nhưng Lazada cũng chỉ đạt trung bình khoảng 15.000 đơn hàng/ ngày, số đơn hàng này, nếu không tính giá trị lớn nhỏ thì chỉ bằng tổng số lượng khoảng 15-20 người bán hàng trên Facebook.

Số lượng người bán hàng trên Facebook tại Việt Nam là rất lớn, dù không có thống kê và không thể thống kê được, nhưng bạn dễ dàng nhìn thấy, các status bán hàng, status quảng cáo tràn ngập khắp Facebook, quảng cáo đeo bám bạn 247, luôn bên bạn dù bạn nơi đâu. Facebook thống kê tại Việt Nam có trung bình khoảng hơn 300.000 fanpage đang hoạt động.

Ngân sách quảng cáo hàng tháng của mấy công ty thương mại điện tử vừa được thổi kèn có khi không bằng chi ngân sách quảng cáo của một “ông trùm hàng fake Facebook”. Có những ông trùm bán hàng có những thời điểm có thể chi ngân sách quảng cáo khoảng 100 triệu/ 1 ngày và bán được khoảng 2.500-3.000 đơn hàng (thời kỳ cao điểm). Những cá nhân lặt vặt thì cũng chi quảng cáo vài triệu/ ngày, vài chục triệu/ ngày. Đội ngũ những người bán hàng cực kỳ đông đảo và làm việc như thể không có ngày mai nên cạnh tranh rất khốc liệt. Người tiêu dùng có nhiều sự lựa chọn, có sự minh bạch hơn về thông tin của nhiều người bán và hàng hóa, nên đã đưa ra các quyết định có lợi cho họ.

Thứ tư: thương mại điện tử là cuộc chơi về tài chính dài hạn

Nếu chủ đầu tư chỉ có vài tỷ, hoặc dưới 1 triệu đô cho dự án thương mại điện tử, với mong muốn “có số má” thì xin thưa là KHÔNG HỀ DỄ DÀNG. Hãy thận trọng, nếu như bạn ít tiền và muốn theo đuổi mô hình bán hàng trực tuyến B2C.

Thương mại điện tử tại Việt Nam trong thời điểm hiện nay, có lẽ cần rất nhiều tiền, và tầm nhìn dài hạn, chứ không phải là ngắn hạn, cần những mô hình và ý tưởng kinh doanh đột phá, mang tính cách mạng, chứ không đơn thuần chỉ là “nhập hàng, chạy quảng cáo”.

Amazon thành công với việc bán sách cứng trên mạng, khi người ta chưa bán. Khi tất cả mọi người bán sách cứng trên mạng, Amazon đã bán sách mềm và “bán tất cả mọi thứ”. Amazon có lợi thế nhờ kho hàng và vận chuyển cực kỳ chuyên nghiệp, cực kỳ thông minh; có lợi thế giá rẻ vì quy mô thị trường lớn, công nghệ hiện đại. Họ mất hơn 7 năm và chi ra rất nhiều tỷ đô la thì năm thứ 8 mới bắt đầu đạt điểm hòa vốn và có lời. Bạn có gì rồi? Bạn đã có những gì?

Dù gây nhiều tranh cãi, nhưng UBER là dự án thương mại điện tử được các nhà đầu tư thế giới kỳ vọng nhiều nhất năm 2015, với mức tăng trưởng vốn đầu tư và định giá giá trị mô hình kinh doanh đã vượt qua 60 tỷ đô, là một công ty công nghệ và thương mại điện tử tăng trưởng nhanh nhất mọi thời đại, thành công nhất mọi thời đại. Vì họ đã dùng công nghệ để giải quyết “vấn đề xã hội, số lớn người dùng, ai ai cũng cần, ngày nào cũng có”. Tiếp theo đó là mô hình “ở nhờ - Airbnb” cũng đang được đầu tư rất lớn.

Thứ 5: cạnh tranh bởi bán lẻ truyền thống

Bạn đừng nghĩ rằng ở VN sẽ sớm “thương mại điện tử hóa” hoàn toàn, dù xu hướng cực kỳ mạnh mẽ và rõ rệt, bán lẻ trực tuyến phát triển nhanh chóng. Các nhà bán lẻ truyền thống cũng phải nghĩ nát cmn óc để bảo vệ thị phần và tăng trưởng doanh số bán hàng của họ tại thị trường mục tiêu của họ. Bán lẻ truyền thống có xu hướng “hội tụ hóa”, “hội nhập” nên các nhà bán lẻ thường có quy mô và diện tích khổng lồ, đáp ứng nhiều yêu cầu về hàng hóa với giá tốt. Đừng đùa với các đại gia bán lẻ, vì tiền họ chất đầy cả dãy Trường Sơn cũng chưa hết, sau hàng thập kỷ tích lũy kinh nghiệm và tích lũy tư bản, các nhà bán lẻ khổng lồ thực sự có sức mạnh về tài chính, kinh nghiệm và thị phần. Các mô hình bán lẻ thương mại điện tử B2C nhỏ lẻ không dễ dàng gì “ăn” được miếng bánh thị phần của họ đâu.

Mặt khác, các thể loại nhái, tầu khựa, xuất dư, xuất thừa, gia công, tràn ngập thị trường Việt Nam, đội ngũ các nhà sản xuất và bán lẻ này cũng làm thay đổi hành vi tiêu dùng của thị trường, làm khuynh đảo thị trường trong những năm thương mại điện tử và mạng xã hội phát triển. Đội ngũ này cực kỳ đông đảo và nhanh nhạy về thị trường, sẵn sang “chiều khách tới bến” để có được công ăn việc làm cho lao động và có lợi nhuận trong dài hạn.

Thứ 6: hàng xách tay, cắp nách, nhồi va ly, hàng nhét vào “bỉm”, hàng order phổ biến hơn hơn bao giờ hết.

Chưa bao giờ mô hình bán lẻ C2C (cá nhân bán hàng cho cá nhân) của các thương lái trực tuyến lại trở thành đại dịch ebola như vậy. Nhà hàng bán hàng xách tay, người người bán hàng cắp nách. Các khách hàng tha hồ sự lựa chọn, thoải mái trả giá, thoải mái xem hàng, check code, order, ship shiec thoải mái, quy mô thị trường rất lớn, tổng giá trị giao dịch rất lớn, chứ không nhỏ như bạn nghĩ đâu. Một khách hàng có thể mua từ bàn chải xách tay, kem đánh răng xách tay, dầu gội đầu cắp nách, lăn khử mồi chống hôi nách nhét sịp, quần áo, thực phẩm, nước hoa, mỹ phẩm, hàng tiêu dùng, bất kể thứ gì bạn muốn thị trường đều cung cấp được, đi máy bay hay đi tầu biển. Một thị trường tự do hoàn hảo và dễ dàng, bởi các nhà bán lẻ trực tuyến quốc tế cũng rất quan tâm đến đơn hàng này, doanh thu đến từ bộ phận này cũng không nhỏ.

Thứ 7, 8, 9… có nhiều lý do khác nữa

Nhưng với 6 lý do cơ bản trên, để giải thích cho việc “một số mô hình thương mại diện tử đơn giản ở Việt Nam hoàn toàn sẽ phải chết, dễ dàng để chết”, điều mà mọi người cần hiểu rõ là “họ thành công được mới là điều kinh ngạc và đáng học hỏi”, họ chết yểu hoặc sau khi chạy chữa bệnh tình bằng cách “đông tây y kết hợp với cúng” một thời gian dài rồi lâm chung là HOÀN TOÀN BÌNH THƯỜNG VÀ DỄ HIỂU. Đừng lo lắng, đừng hoang mang vì điều đó!

MBA. Phan Anh – E-Commerce & E-Marketing Specialist.
0989-623-888 | phananhonline@gmail.com
 
Định nghĩa Thương Mại Điện Tử Việt Nam là gì? Xin thưa là đốt tiền ... Trung bình mỗi ngày các site Thương Mại Điện Tử ở Việt Nam đốt tiền tương đương 1-2 starup mới vài trẹo đô , Ngoài việc bán hàng với giá trị thấp hơn để tăng doanh số với đối thủ, các anh Google và Facebok cũng được lợi trong việc đốt tiền như chạy đua mua quảng cáo từ khoá cũng như xuất hiện các stt trên newsfeed... một số site giờ giống như ông già 60.... phải dùng Viagra thì tăng ranking, hết tiền thì xìu .

Sóng lớn đã đến! Tất cả các đại gia đang ồ ạt lao vào "cỗ máy đốt tiền" thương mại điện tử Việt Nam

Dù hàng loạt cái tên đã phải rời bỏ thị trường vì chi phí lớn, cạn vốn, nhưng vẫn có rất nhiều doanh nghiệp tham gia thị trường trong năm 2016. Điểm chung của những doanh nghiệp này: Đều là các tập đoàn khổng lồ.
Lotte - Lotte.vn
Alibaba mua Lazada
Central Group mua Zalora Việt Nam
Thế giới Di động
VNG mua Tiki
Viettel - sandacsan.com.vn
Vinamilk - giacmosuaviet.com.vn
Báo VnExpress - shop.vnexpress.vn
Báo Thanh Niên - muahangviet.com.vn
 
Hình như MBA Phan Anh chưa cập nhật tình hình TMĐT VN đến thời điểm hiện tại.
Các mức phát triển TMĐT: chỉ cung cấp thông tin => nhận đơn hàng trực tuyến => thanh toán trực tuyến và giao hàng tự động. Việt Nam đã ở mức chấp nhận thanh toán trực tuyến.
Hình thức: Chợ trực tuyến hoặc đấu giá trực tuyến => bên làm TMĐT chỉ là trung gian. Một hình thức khác là công ty TMĐT nhập hàng về và bán lại lại cho người dùng cuối (Tiki đang làm).
Một công ty TMĐT đủ lớn sẽ có hình thức lai: vừa làm trung gian bán hàng và vừa lưu kho, giao hàng (amazon). Đây là hình thức đòi hỏi vốn lớn, đội ngũ khổng lồ vì phải lo vấn đề kho bãi và giao hàng.
Riêng về hình thức trung gian cũng chia làm nhiều cấp độ: công ty TMĐT không kiểm soát được chất lượng thông tin, chất lượng sản phẩm, độ tin cậy của người bán => xếp hạng được người bán và thông tin sản phẩm => Kiểm soát hoàn toàn độ tin cậy của người bán.
Đừng nói là mua hàng amazon và ebay thì mọi thứ đều ổn. Tuy nhiên, họ đã có hệ thống đánh giá độ tin cậy, xếp hạng người bán nên người mua có nhiều thông tin hơn để tham khảo.
 
Nhiều người nghĩ TMĐT đơn giản như đan rổ, rồi chỉ cần PM có đủ nghề từ KD, MKT cho tới IT và cả QL tất nhiên

Uh cứ start up, gọi vốn, tiêu tiền rồi sẽ biết

TMĐT với Tiki, Sendo, Lazada, Nguyễn Kim.... đều đang tiêu tiền khốc liệt, lỗ trên mỗi đơn hàng với niềm tin, kẻ nào sống sót khi đối thủ đã xài hết đồng tiền cuối cùng là kẻ chiến thắng. Tiki năm 2016 lỗ 255 tỷ thì 2017 sẽ gọi thêm 1.700 tỷ để xài tiếp. Những Nhommua, Muachung, Lingo..... đã biến mất khi nhà đầu tư hết kiên nhẫn hoặc không tin tưởng vào thị trường TMĐT VN vốn chỉ thích sales và giảm giá. Ông lớn như Uber với giá trị vốn hóa gần 68 tỷ đô, cũng vẫn đang tiêu tiền của nhà đầu tư với khoản lỗ 2 tỷ đô mỗi năm.... Cuộc chơi khốc kiệt, last man standing là kẻ chiến thắng, cho dù khánh kiệt. Có người bạn làm nhân sự bên Shopee bảo hiện nay mỗi tháng lỗi vài tỏi, chủ yếu xây dựng thương hiệu cho mạnh rồi bán cho TQ như Lazada. Cho đến thời điểm này TMĐT ở VN hiện nay chưa bao giờ có lãi.

Nhiều người nghĩ đơn giản TMĐT chỉ là bán hàng qua mạng, nghĩ rằng cái trang web là đầu câu chuyện, phải có trang web cho người đặt hàng mà không quan tâm chuyện mình bán gì và giá trị của mình nằm ở đâu! Nếu Tiki không tham lam, giữ vững tinh thần bán sách lúc xưa, thì chưa chắc gì ôm nợ.

EC không chỉ là các sàn giao dịch TMĐT như ebay, amazon,... Thị trường còn rất to. Quan trọng biết đầu tư chỗ nào.


Hãy đọc Electronic Commerce: From Vision to Fulfillment



và những sách tương tự để biết thế nào là EC, chứ lúc nào cũng đem Amazon, Ebay, + $ ra so thì không bao giờ làm được TMĐT

Không ngoa khi cho rằng start up TMĐT 99% là lừa đảo huy động vốn và bùng.
 
Sao nhiều người cứ mãi nghĩ TMĐT phải là cái website, phải là app mobile nhỉ, rồi quá câu nệ chuyện chính xác phải như thế này, như thế kia mới gọi là TMĐT nên cứ lòng vòng hoài.

Đơn giản thôi: Những gì có thể mua bán qua mạng bằng vài cú click chuột đơn giản đều được coi là TMĐT hết.

Quan trọng nhất cần biết là có những mô hình TMĐT nào và với điều kiện của mình thì nên đứng lên thay đổi thế giới, không thì chịu bò theo con voi nào và hít cái bã gì.

Nếu người nào định mở ra website bán ti tỉ món hàng kiểu Tiki, Lazada, hay cao xa hơn như Amazon, Alibaba... ở Việt Nam, thì người đó chắc tâm thần nặng hoặc nhà người ấy mới âm thầm đào trúng mỏ vàng hay mỏ dầu.

Người nào có những dịch vụ hay vài món hàng nhắm vô một thị trường ngách (niche market) thì chỉ cần chăm chút một web site (hoặc tạo 1 shop trên FB) nhìn cho hấp dẫn và thích hợp với mảng đó rồi thuê chuyên viên SEO và Quảng cáo nó dẫn dụ khách mua hàng giùm cho.

Nhiều người làm mảng này cứ nghĩ đơn giản có hàng hoá hay dịch vụ + website bán hàng là có tất cả, SEO hay quảng cáo là muỗi, ông tự làm khỏi tốn tiền cho mấy thằng buôn nước bọt. OK cứ tự làm rồi tự xử đi.

Số còn lại, không có hàng hóa lẫn dịch vụ gì trong tay, lại cũng không có cả chí khí đánh nhau với Jack Ma hay chiến với Jeff Bezos thì có thể đầu quân cho mấy ảnh làm affiliate marketing. Cái này dài dòng và lạng quạng cũng bị tụi nó chăn cho cháy túi. Take care bros!
 
Tiki với Shopee cũng cùng 1 nhà đầu tư Tencentphối kết hợp với JD.com mà, đối thủ của cả 2 là Lazada của nhà Alibaba, đây đc xem là bộ tam sên dẫn dắt thị trường online của China giờ đang vươn vòi bạch tuộc sang miệt ĐNA.
1760914.jpg
 
Bắt đầu từ Giáng Sinh năm ngoái các cửa hàng bán lẻ trên phố không còn trang trí hoành tráng như các năm trước , đến tết Âm cũng vậy, chỉ lác đác có vài cửa hàng trang trí sơ sài, không khí không tưng bừng sung mãn như các năm trước, như vậy vấn đề buôn bán offline dạng tiểu thương nhỏ lẻ đã bắt đầu thoái trào.

Tiểu thương ngành điện gia dụng gần như chết dần chết mòn vì mấy ông lớn ăn hết rồi, nhưng bán offline cũng vắng vì hầu hết mua online của ... 2019 FPT xác nhận là sẽ giảm offline và tăng online. Xu hướng online shopping là không thể đảo ngược , đến nội thất cũng hết 50 % là mua online.
 
Đọc báo gần đây nhận thấy thương mại điện tử đã bước sang trang mới - hệ sinh thái, do đó khẳng định là Không Bao Giờ Có Lãi. Tiki, Lazada sẽ không ưu tiên kinh doanh thu lợi nhuận từ hoạt động TMĐT; Lazada không còn chỉ để sử dụng để đưa hàng Trung Quốc dễ dàng tiếp cận với thị trường Việt Nam; tương tự Vin Group cũng tuyên bố lợi nhuận từ việc bán hàng là thứ yếu; Goviet Grab cũng mạnh mẽ rằng mục tiêu thống lĩnh thị phần vận tải cũng không phải thu lợi nhuận từ đây . Tất cả đều nhằm thực hiện chiến lược xây dựng hệ sinh thái tiêu dùng với những mục tiêu mục đích riêng.
 
Đọc báo gần đây nhận thấy thương mại điện tử đã bước sang trang mới - hệ sinh thái, do đó khẳng định là Không Bao Giờ Có Lãi. Tiki, Lazada sẽ không ưu tiên kinh doanh thu lợi nhuận từ hoạt động TMĐT; Lazada không còn chỉ để sử dụng để đưa hàng Trung Quốc dễ dàng tiếp cận với thị trường Việt Nam; tương tự Vin Group cũng tuyên bố lợi nhuận từ việc bán hàng là thứ yếu; Goviet Grab cũng mạnh mẽ rằng mục tiêu thống lĩnh thị phần vận tải cũng không phải thu lợi nhuận từ đây . Tất cả đều nhằm thực hiện chiến lược xây dựng hệ sinh thái tiêu dùng với những mục tiêu mục đích riêng.
Trước mắt, tất cả các dạng TMĐT kiểu này vẫn tồn tại trên cơ sở đốt tiền (của nhà đầu tư)! Người dùng (khách hàng) đang được các trang này lôi kéo bằng cách duy nhất là tặng tiền (khuyến mại, tặng tiền, giảm giá...), nên cuộc chiến hiện tại giữa các trang này có thể nói rằng hoàn toàn là tiền và tiền. Hết tiền là "đai" luôn.