Toàn cảnh kinh tế Việt Nam 22-5-2013

amateurish

Thành viên cơ bản
1/4/13
84
5
22-5-2013 (VF) — Những quan sát chính rút ra từ dòng thời sự theo ngày của VietFin.net, được cập nhật liên tục từ sáng tới khuya.
* Đáng chú ý trong ngày:

  • Chiều 21-5, Công ty quản lý tài sản VAMC chính thức được TTCP phê duyệt quyết định thành lập.
DIỄN BIẾN NỘI ĐỊA
* Tài chính – Ngân hàng:
Chiều 21-5, Thủ tướng Chính phủ đã ký Nghị định thành lập Công ty quản lý tài sản (VAMC) (SGGP, 21-5).
Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Đồng Tiến cho biết, sức ép lạm phát vẫn còn, và vẫn còn một số yếu tố khiến lạm phát tăng nhanh vào thời điểm cuối năm. Nhưng khả năng NHNN tiếp tục hạ lãi suất là rất ít (Bloomberg/Dân Việt, 22-5).
Tại phiên đấu giá trái phiếu chính phủ ngày 21-5, lợi suất lợi suất kỳ hạn 2 năm giảm 33 điểm cơ bản xuống còn 6,8%/năm – thấp chưa từng có. Lợi suất các kỳ hạn 3 năm và 5 năm giảm lần lượt 27 và 21 điểm cơ bản, xuống 7,23%/năm và 8,23%/năm (Trí Thức Trẻ, 21-5).
Theo Cục thống kê, tổng dư nợ cho vay dự kiến của Hà Nội trong T5.2013 là 655.054 tỷ đồng, tăng 2,7% so tháng trước và tăng 0,3% so cuối năm 2012, trong đó dư nợ ngắn hạn tăng 2,9% và bằng 98,3%, dư nợ trung và dài hạn tăng 2,5% và 3,4% (Gafin, 22-5).
* Bất động sản:
Từ ngày 1-7, mức thu lệ phí chứng thực hợp đồng, giao dịch BĐS sẽ được thực hiện theo quy định tại Thông tư 62/2013/TTLT-BTC- BTP do Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp mới ban hành. Mức thu này được xác định theo giá trị tài sản hoặc giá trị hợp đồng, giao dịch (Trí Thức Trẻ, 21-5).
Bộ Xây dựng sẽ tiến hành bàn thảo về triển khai các căn hộ diện tích dưới 30m2. Dự kiến, Bộ sẽ triển khai nhà ở xã hội dưới dạng căn hộ bé thành từng khu và kết nối hạ tầng đồng bộ, chứ không phải dạng chung cư mi ni (ĐTCK, 21-5).
 
* Tiền tệ:
NHNN đã bán hết 26.000 lượng vàng trong phiên đấu thầu vàng miếng ngay 21-5. Giá trúng thầu cao nhất là 40,65 triệu đồng/lượng, thấp nhất là là 40,53 triệu đồng/lượng. Có 9 đơn vị tham gia bỏ thầu đã mua được vàng. Đơn vị mua nhiều nhất 5.000 lượng và ít nhất 10.000 lượng (Thanh niên, 21-5).
8:25 sáng 22-5, giá vàng SJC tại Hà Nội mua vào bán ra ở 40,65 – 40,8 triệu đồng/lượng. Giá vàng tại TPHCM ở 40,65 – 40,78 triệu đồng/lượng.
Giá vàng trên Kitco hiện ở 1.379,4 USD/oz. Quy đổi theo tỷ giá Vietcombank (21.020 đồng/USD), giá vàng trong nước cao hơn thế giới khoảng 5,8 triệu đồng/lượng (Dân Việt, 22-5).
* Thị trường chứng khoán (HOSE/HNX):
Khác với xu thế giảm của TTCK trong 3 kì họp Quốc hội trước, ngay trong những ngày đầu của kỳ họp Quốc hội năm nay, TTCK tăng điểm khá mạnh với thanh khoản được cải thiện, mang đến kỳ vọng mới cho nhà đầu tư và thị trường (ĐTCK, 22-5).
Tính đến giữa tháng 5, TTCK đã có 18 CP hủy niêm yết, tương đương với cả năm 2012. Trong khi đó, thị trường chỉ có thêm 7 cổ phiếu mới lên sàn, thấp hơn nhiều nếu so với số 29 của năm 2012, dù con số năm 2012 đã giảm đến 50% so với năm 2011 (Lao động, 22-5).
Theo dõi diễn biến TTCKVN: Vào chợ mỗi ngày TTCK 22-5-2013
* Vĩ mô:
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhiều tập đoàn và TCty lớn trên cả nước sẽ lùi kế hoạch cổ phần hóa lại sau năm 2015 do các khó khăn về phương án, định giá (VN+, 21-5).
Với tình hình suy giảm kinh tế đang ở mức báo động như hiện nay, một số đại biểu Quốc hội cho rằng, Chính phủ cần sớm thành lập Ủy ban đối phó với suy giảm kinh tế để giải cứu doanh nghiệp (Dân trí, 21-5).
Ông Trần Xuân Hòa, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV), ủy viên UB Kinh tế cho biết, Chính phủ sẽ có những quyết định rất quan trọng cho sự phát triển của dự án bôxit Nhân Cơ, Đắk Nông trong vòng 2-3 tháng nữa (Vietnamnet, 21-5).
Theo số liệu của cơ quan thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của thành phố Hà Nội T5. 2013 giảm 0,22% so với tháng trước do nguồn cung lương thực, thực phẩm dồi dào và tâm lý e ngại của người dân đối với một số loại thực phẩm chủ yếu (NHDMoney, 21-5).
 
* Tài chính doanh nghiệp:
Dự thảo nghị định về điều lệ tổ chức và hoạt động của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Theo đó, điểm đáng chú ý trong dự thảo lần này là Chính phủ đã “cấm cửa” hẳn hoạt động đầu tư BĐS, ngân hàng đối với EVN, sau khi tập đoàn đã không có được thành công trong lĩnh vực này (VnEconomy, 21-5).
* Thông tin thị trường/doanh nghiệp khác:
Từ đầu năm đến nay, nhiều doanh nghiệp trong ngành gỗ đã giảm hơn 50% lượng gỗ nguyên liệu nhập khẩu nhằm giảm thiểu lượng hàng tồn kho và thâm dụng vốn vay từ ngân hàng (TBKTSG, 21-5).
Theo Tổng cục Hải Quan, trong nửa đầu T5.2013, kim ngạch xuất khẩu của cả nước ước đạt 5,1 tỷ USD và nhập khẩu ước đạt 5,9 tỷ USD. Như vậy, trong kỳ đầu tháng 5, Việt Nam đã nhập siêu khoảng 830 triệu USD, cao hơn mức nhập siêu trong cả 4 tháng là 723 triệu USD. Lũy kế từ đầu năm đến giữa tháng 5, Việt Nam nhập siêu 1,55 tỷ USD (Dân Việt, 21-5).
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), tình hình xuất khẩu thủy sản gần đây đang có dấu hiệu khởi sắc trở lại. Cụ thể, T4.2013 kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 520 triệu USD, tăng 11% so cùng kỳ năm ngoái. Nhu cầu thị trường xuất khẩu đang dần phục hồi, một tín hiệu lạc quan cho các doanh nghiệp đẩy mạnh chế biến xuất khẩu (SGGP, 21-5).
Ngày 20-5, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) cho biết, sản phẩm ống thép chịu lực không gỉ của Việt Nam vừa bị các doanh nghiệp Mỹ kiện chống bán phá giá. Dự kiến vào ngày 6-6, Bộ Thương mại Mỹ sẽ phải đưa ra quyết định về việc có khởi xướng điều tra hay không (Thanh niên, 21-5).
Thời gian qua, các lực lượng Công an, Hải quan đã phát hiện một số trường hợp tạm nhập đường nhưng không tái xuất mà tiêu thụ trong nội địa. Trước tình hình này, Bộ Tài chính đưa ra quan điểm nên bổ sung mặt hàng đường vào danh mục các mặt hàng tạm dừng tạm nhập tái xuất chuyển khẩu và gửi kho ngoại quan (Hải Quan, 22-5).
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp sản xuất thanh nhựa uPVC phải đóng cửa do hàng nhập ngoại, đặc biệt là từ Trung Quốc với giá rẻ, kém chất lượng, không phù hợp tiêu chuẩn (Vietq, 22-5).
* Nông nghiệp và biến đổi khí hậu:
Mới đây, Nhật Bản đã dỡ bỏ quy định kiểm tra Trifluralin, một hoạt chất diệt cỏ sử dụng trong cải tạo môi trường nuôi thủy sản đối với 100% lô tôm nhập khẩu từ Việt Nam vào thị trường này. Tính đến hết T4.2013, Nhật Bản vẫn là thị trường NK tôm hàng đầu của Việt Nam với giá trị đạt trên 168 triệu đô la, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm 2012 (VASEP, 22-5).
Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam đang lo lắng về sự gian lận thương mại của các nhà nhập khẩu gạo Trung Quốc khi họ thường giảm giá mua gạo khi các lô hàng đã được chuyển đến bến cảng với lý do chất lượng gạo giảm sút (Trí Thức Trẻ/Oryza, 21-5).
Người nuôi tôm đang phải đang lệ thuộc quá nhiều thứ như dịch bệnh bủa vây, thiếu vốn sản xuất và nhất là thức ăn cho tôm liên tục tăng giá và nguồn cung chủ yếu lại phụ thuộc vào các công ty có vốn nước ngoài (NNVN, 21-5).
Nuôi nhím “một vốn bốn lời” đã khiến nhiều người sôi sục với giấc mơ đổi đời nhờ con nhím. Họ vét hết tiền bạc đổ vào nuôi nhím, nhưng giá nhím thịt ngày càng giảm từ 400.000-600.000đ/kg năm 2009 nay xuống còn 110.000đ/kg, khiến nhiều người dân lao đao, đang dần bỏ nghề này (Nông nghiệp Việt Nam, 21-5).
 
* Chính trị:
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIII, sáng 21-5, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật phòng, chống khủng bố. Các đại biểu đều nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật phòng, chống khủng bố (TTXVN, 21-5).
* Xã hội:
Những “sự cố” tiêm thiếu vắc-xin cho trẻ tại Hà Nội, tiêm vắc-xin quá date tại Phú Yên gây tâm lý bất an cho xã hội. Trước vấn đề trên, Sở Y tế TPHCM yêu cầu Trung tâm Y tế dự phòng “siết chặt” giám sát quy trình tiêm chủng, phân phối vắc xin (Dân Trí, 22-5).
Hơn 1 năm nay, hàng trăm hộ dân ở 7 xóm, thuộc 2 xã Nghĩa Lâm và Nghĩa Sơn, huyện Nghĩa Đàn phải sống trong vùng bị ảnh hưởng ô nhiễm, do nằm cạnh các trang trại bò sữa của Công ty sữa TH (Đại Đoàn Kết, 22-5).
VIỆT NAM HƯỚNG TỚI THỊ TRƯỜNG TOÀN CẦU
* Địa Kinh tế:
Theo số liệu vừa công bố của Bộ tài chính Nhật Bản, trong T4.2013 thâm hụt thương mại của nước này lên tới 880 tỷ yên (8,6 tỷ đô la Mỹ) so với mức 364 tỷ yên hồi T3. Xuất khẩu chỉ tăng 3,8% so với cùng kì năm 2012 trong khi nhập khẩu tăng 9,4%. Đồng yên suy yếu khiến giá nhập khẩu năng lượng của Nhật Bản tăng vọt khiến tình trạng thâm hụt thương mại của nước này càng trở nên trầm trọng (Marketwatch/Dân Việt, 22-5).
Tín dụng đen bắt đầu phát triển nở rộ trở lại với hoạt động “ngân hàng trong bóng tối” (shadow banking) tăng mạnh. Theo thống kê của Công ty nghiên cứu tài chính Keefe, Bruyette & Woods (KBW), tổng giá trị các thương vụ “ngân hàng trong bóng tối” toàn cầu hiện đã lên 16.000 tỷ đô la Mỹ, vượt con số 15.000 tỷ đô la tài sản tại các định chế nhận tiền gửi tư nhân và gấp hơn 2 lần mức đầu tư 6.000 tỷ đô la vào trái phiếu doanh nghiệp. Thay vì cho rằng tín dụng đen là một mối đe dọa, KBW cho rằng đó là dấu hiệu phục hồi kinh tế (CNBC/Dân Việt, 22-5).
Một quan chức Quỹ tiền tệ IMF cảnh báo tỉ lệ nợ công cao ở nhiều nước đang đẩy thế giới vào một cuộc khủng hoảng tài chính mới. Ông kêu gọi các nước nên áp dụng ngay các bước điều chỉnh tài chính phù hợp với bối cảnh tài chính trong nước (Global Times/Dân Việt, 21-5).
Một loạt các ngân hàng lớn trên thế giới như Goldman Sachs, Citigroup và Bank of America đều tiến hành rút toàn bộ vốn đã đầu tư vào các ngân hàng Trung Quốc trong bối cảnh nước này đang tiến tới tự do hóa lãi suất và khiến cho lợi nhuận của các ngân hàng sụt giảm (Trí Thức Trẻ/Bloomberg, 21-5).
* Địa Chính trị:
Các nguồn tin Nhật Bản cho biết, ngày 21-5, nước này đã bắt đầu cân nhắc việc nối lại đàm phán song phương với Triều Tiên sau khi trì hoãn từ T11.2012. Cuộc đàm phán sẽ bao gồm việc nối lại điều tra số phận của những công dân Nhật bị Bình Nhưỡng bắt cóc trong những năm 1970, 1980 và khả năng cho hồi hương những phụ nữ Nhật Bản đi theo chồng người Hàn Quốc sang Triều Tiên nhiều thập kỷ trước (VN+, 22-5).
Theo báo cáo Bộ Ngoại giao Mỹ đệ trình lên Quốc hội về chiến lược chính sách với Triều Tiên vào năm 2014, Washington sẽ tăng cường cuộc bàn thảo đa phương để giải quyết vấn đề chương trình phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên và chương trình làm giàu urani của Bình Nhưỡng (VN+, 22-5).
______________________
Tiếp tục cập nhật:
Trích từ: vietfin.net