Bảo hiểm trong hoạt động xây dựng

thanhhoa

Thành viên cơ bản
2/4/13
190
14
Việc chủ đầu tư và các chủ thể tham gia hoạt động xây dựng mua bảo hiểm theo quy định của pháp luật xây dựng sẽ tăng thêm chi phí nhưng là chi phí cần thiết cho một xã hội tiến bộ, để những bất cập xảy ra không bị lúng túng trong hành xử thực tế.

Các quy định về bảo hiểm trong hoạt động xây dựng tại các văn bản quy phạm pháp luật
Việc quy định các chủ thể tham gia hoạt động xây dựng phải thực hiện mua bảo hiểm trong hoạt động xây dựng được quy định rõ ràng trong Luật Xây dựng và các văn bản pháp luật hướng dẫn Luật Xây dựng, cụ thể như sau: Đối với các nhà thầu tư vấn: Điểm đ, Khoản 2, Điều 51, Điểm g, Khoản 2, Điều 58 và Điểm đ, Khoản 2, Điều 90, Luật Xây dựng quy định nhà thầu khảo sát xây dựng, nhà thầu thiết kế xây dựng công trình và nhà thầu giám sát thi công xây dựng công trình có nghĩa vụ mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp. Đối với nhà thầu thi công xây dựng công trình: Điểm h, Khoản 2, Điều 76, Luật Xây dựng quy định: “Nhà thầu thi công xây dựng công trình có nghĩa vụ mua các loại bảo hiểm theo quy định của pháp luật về bảo hiểm”.Cũng tại Điểm b, Khoản 1, Điều 45, Nghị định số 48/2010/NĐ-CP của Chính phủ về hợp đồng trong hoạt động xây dựng đã quy định cụ thể hơn: “Bên nhận thầu phải thực hiện mua các loại bảo hiểm cần thiết (bảo hiểm thiết bị, bảo hiểm đối với bên thứ ba) để bảo đảm cho hoạt động của mình theo quy định của pháp luật. Đối với chủ đầu tư: Điểm I, Khoản 2, Điều 76, Luật Xây dựng quy định: “Chủ đầu tư xây dựng công trình có nghĩa vụ mua bảo hiểm công trình xây dựng”.Về quy định này, Điểm a, Khoản 1, Điều 45, Nghị định số 48/2010/NĐ-CP cũng đã nêu rõ: “Bảo hiểm công trình xây dựng do chủ đầu tư mua. Trường hợp, phí bảo hiểm này đã được tính vào giá hợp đồng thì bên nhận thầu thực hiện mua bảo hiểm công trình theo quy định”. Tuy nhiên tại Văn bản số 13994/BTC-BH ngày 19/11/2008, Bộ Tài chính đã có ý kiến: Theo quy định tại Luật Kinh doanh bảo hiểm, bảo hiểm trong hoạt động xây dựng không phải là bảo hiểm bắt buộc. Do đó, Bộ Tài chính không ban hành quy tắc, biểu phí bảo hiểm trong hoạt động xây dựng. Việc mua, bán bảo hiểm trong hoạt động xây dựng được thực hiện như đối với các loại hình bảo hiểm tự nguyện khác...Nếu chỉ đọc qua thì thấy là các quy định về bảo hiểm giữa hai luật nêu trên mâu thuẫn và làm cho các chủ thể trong hoạt động xây dựng không biết phải thi hành theo quy định của Luật nào? Tuy nhiên, theo quy định tại Khoản 3, Điều 83, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2008 thì: “Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật do cùng một cơ quan ban hành mà có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của văn bản được ban hành sau”. Do Luật Xây dựng ban hành ngày 26/11/2003 còn Luật Kinh doanh bảo hiểm ban hành ngày 09/12/2000 nên với quy định này thì rõ ràng các chủ thể phải thực thi mua bảo hiểm theo Luật Xây dựng.
Các loại bảo hiểm trong hoạt động xây dựng
Bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp, đây là loại bảo hiểm trách nhiệm pháp lý của người được bảo hiểm phát sinh do việc vi phạm trách nhiệm nghề nghiệp. DN bảo hiểm cung cấp sự bảo đảm về mặt tài chính cho các cá nhân, tổ chức, Cty hành nghề chuyên môn đối với trách nhiệm dân sự phát sinh từ việc hành nghề chuyên môn. Những người hành nghề chuyên môn phải thực hành công việc, thao tác nghề nghiệp chuyên môn với sự cẩn thận và tay nghề đảm bảo yêu cầu chuyên môn. Tuy nhiên, thực tế vì nhiều lý do vẫn có thể gây thiệt hại cho bên thứ ba từ những hành động bất cẩn, những sai phạm hoặc thiếu sót trong quá trình thực hiện các công việc chuyên môn. Với bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp, nhà thầu khảo sát xây dựng, nhà thầu thiết kế xây dựng công trình và nhà thầu giám sát thi công xây dựng công trình (dưới đây gọi chung là nhà thầu tư vấn) được bồi thường những khoản sau: Số tiền mà người được bảo hiểm (nhà thầu tư vấn) có trách nhiệm thanh toán đối với các khiếu nại được lập chống lại người được bảo hiểm trong thời hạn ghi trong phụ lục là hậu quả trực tiếp của các hành động bất cẩn, sai sót hoặc thiếu sót khi người được bảo hiểm hoặc người làm thuê cho họ thực hiện các công việc chuyên môn được xác định trong Phụ lục hợp đồng bảo hiểm.Số tiền bồi thường của bảo hiểm được xác định theo các khoản trên và giới hạn bồi thường cho mỗi khiếu nại. Giới hạn bồi thường - mức trách nhiệm gộp cho tất cả các khiếu nại của bên thứ ba chống lại người được bảo hiểm trong một thời hạn bảo hiểm, bao gồm cả phí tổn và chi phí bào chữa do người được bảo hiểm chấp thuận mà DN bảo hiểm có thể phải trả. Trường hợp khiếu nại hàng loạt: Hai hay nhiều khiếu nại phát sinh từ một hành vi bất cẩn (ví dụ từ cùng một lỗi khảo sát, tính toán thiết kế hoặc giám sát thi công xây dựng). Bất kể số người bị thiệt hại, tất cả các khiếu nại này được coi là một khiếu nại và ngày xảy ra tổn thất là ngày mà khiếu nại đầu tiên trong một loạt khiếu nại được phát ra bằng văn bản chống lại người được bảo hiểm.Trong thực tế, các nhà thầu tư vấn mua bảo hiểm cho đơn vị mình theo 1 trong 2 dạng: Mua cho toàn bộ hoạt động tư vấn có hợp đồng trong năm tài chính hay mua theo từng hoạt động riêng lẻ. Mức mua và mức chi trả bảo hiểm tương ứng không quy định mức sàn, nên thường là mua giá trị thấp. Có rất nhiều DN bảo hiểm do vậy cũng không cần thuê chuyên gia để phải xem xét năng lực tư vấn, giải pháp thiết kế, mức độ an toàn… để có cách hành xử (bán bảo hiểm) phù hợp như thông lệ các nước. Đặc biệt, các hoạt động tư vấn cho những công trình riêng lẻ của dân cư trong đô thị xây chen hầu như không mua bảo hiểm. Kết quả là khi xảy ra sự cố, do sơ suất nghề nghiệp, nhà thầu tư vấn không đủ khả năng tài chính để khắc phục, gây thiệt hại cho xã hội và phức tạp cho việc quản lý các hoạt động xây dựng.Ngoài ra các loại bảo hiểm cần thiết khác như (bảo hiểm thiết bị, bảo hiểm đối với bên thứ ba) mà nhà thầu thi công xây dựng công trình bắt buộc phải mua để bảo đảm cho hoạt động của mình theo quy định của pháp luật. Bảo hiểm đối với bên thứ ba là loại bảo hiểm trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng của DN xây dựng (nhà thầu) phát sinh do gây thiệt hại về tài sản và tính mạng, sức khỏe của người thứ ba liên đới (người lao động; người sử dụng thiết bị, công trình xây dựng...) trong quá trình thực hiện các công việc xây dựng, lắp đặt.Trách nhiệm của nhà thầu thi công xây dựng trong các trường hợp này có thể được bảo hiểm bằng một hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm riêng biệt nhưng thông thường được bảo hiểm cùng với bảo hiểm tổn thất vật chất của công trình xây dựng trong cùng một hợp đồng bảo hiểm mọi rủi ro trong xây dựng, lắp đặt.Nhà thầu thi công xây dựng có thể mua bảo hiểm trách nhiệm đối với người thứ ba đi cùng bảo hiểm tổn thất vật chất với hạn mức trách nhiệm không vượt quá 50% giá trị công trình được bảo hiểm ở phần thiệt hại vật chất và tối đa không quá 3 triệu USD. Phí bảo hiểm của phần trách nhiệm đối với người thứ ba được tính bằng 5% phí bảo hiểm của phần bảo hiểm thiệt hại vật chất. Tỷ lệ phí bảo hiểm này chỉ áp dụng với điều kiện bên mua bảo hiểm tham gia bảo hiểm thiệt hại vật chất và trách nhiệm đối với người thứ ba trong cùng một hợp đồng bảo hiểm.Trong trường hợp muốn được bảo hiểm với hạn mức trách nhiệm vượt quá giới hạn trên thì bên mua bảo hiểm có thể tham gia bảo hiểm trách nhiệm đối với người thứ ba bằng một hợp đồng bảo hiểm riêng biệt.Trong thực tế, các nhà thầu thi công xây dựng thường không mua bảo hiểm theo quy định của pháp luật. Nếu có, đối với công trình lớn, là mua bảo hiểm máy móc thiết bị sử dụng và trách nhiệm bên thứ ba (và cũng chỉ mua tượng trưng). Việc nhà thầu thi công xây dựng mua đầy đủ các loại bảo hiểm theo quy định thường chỉ tiến hành với những dự án lớn, đặc biệt các dự án liên quan đến đầu tư nước ngoài (FDI, ODA). Nhiều trường hợp khi sự cố xảy ra do biện pháp thi công, nhà thầu thi công xây dựng rất khó khăn về năng lực tài chính để khắc phục.