Hạn chế chỉ định thầu

HuynhTran

Thành viên cơ bản
21/5/13
169
14




(ĐTCK) Về chỉ định thầu, nhiều đại biểu cho rằng, đây là hành vi ít tính cạnh tranh nhất và dễ xảy ra tiêu cực nhất, nhưng lại được áp dụng phổ biến trong hoạt động đấu thầu.
Ngày 20/6, Quốc hội có phiên thảo luận tại hội trường về Luật Đấu thầu (sửa đổi). Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sau 6 năm thực hiện Luật Đấu thầu, nguồn vốn của Nhà nước đã tiết kiệm được tổng cộng hơn 106.000 tỷ đồng. Từ năm 2007 đến nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thực hiện 50 cuộc kiểm tra, qua đó góp phần ngăn ngừa các hành vi sai phạm trong đấu thầu, đồng thời nâng cao chất lượng công tác đấu thầu.
Tuy nhiên, việc thực hiện Luật Đấu thầu cũng bộc lộ một số bất cập. Thảo luận tại hội trường về Dự án luật này, các đại biểu cho rằng, việc sửa đổi toàn diện Luật Đấu thầu là cần thiết để đạt được các mục tiêu: thống nhất quản lý việc chi tiêu sử dụng vốn nhà nước; tăng cường cạnh tranh; đảm bảo công khai, minh bạch, công bằng và hiệu quả kinh tế trong đấu thầu; phù hợp với xu thế hội nhập kinh tế quốc tế và đơn giản hóa thủ tục hành chính trong đấu thầu.
Có đại biểu cho rằng, nên xem xét lại vai trò của chủ đầu tư trong Dự thảo luật. Theo đại biểu Lê Công Đỉnh, quy định trách nhiệm hiện tại của chủ đầu tư quá lớn, từ lập hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu, thẩm định và phê duyệt hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu, tổ chức đấu thầu, xét thầu, phê duyệt danh sách ngắn, báo cáo kết quả xét thầu… Điều này dẫn đến tiêu cực dễ xảy ra trong đấu thầu. Trong khi đó, vai trò của cấp quyết định đầu tư chỉ là phê duyệt kế hoạch đấu thầu của dự án, mà không theo dõi, giám sát việc triển khai thực hiện. Quy định như vậy là chưa chặt chẽ.
Dự thảo luật cần có những quy định kiểm soát chặt chẽ hoạt động đấu thầu, hạn chế tham nhũng, hối lộ khi mà các tiêu chuẩn, định mức cho việc thẩm định làm căn cứ cho việc thẩm định và chỉ định thầu, các trường hợp đấu thầu và chỉ định thầu chưa được phân biệt rõ. Trách nhiệm bồi thường và các trách nhiệm khác cũng chưa rõ ràng.
Về các hành vi bị cấm, đại biểu Phạm Văn Cường đề nghị xem xét lại các trường hợp thủ trưởng đơn vị là chủ đầu tư ủy quyền cho cấp phó phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu, nhưng kết quả lựa chọn nhà thầu lại để cho người có liên quan với thủ trưởng đơn vị trúng thầu. Trường hợp này, người thủ trưởng đơn vị không trực tiếp tham gia, nhưng có ảnh hưởng lớn đến kết quả đấu thầu, không minh bạch. Cần nghiên cứu bổ sung quy định về hành vi này.
Về chỉ định thầu, nhiều đại biểu cho rằng, đây là hành vi ít tính cạnh tranh nhất và dễ xảy ra tiêu cực nhất, nhưng lại được áp dụng phổ biến trong hoạt động đấu thầu. Để tránh tình trạng lạm dụng chỉ định thầu, đại biểu Hà Sỹ Đồng đề xuất, các quy định về chỉ định thầu cần mang tính định lượng và cụ thể hóa, tránh các quy định mang tính định tính để bảo đảm sự rõ ràng, minh bạch với quy định mang tính chất bí mật quốc gia, gói thầu thuộc dự án cấp bách vì lợi ích quốc gia. Cần có quy định rõ ràng về thủ tục và khung pháp lý kiểm soát để làm cơ sở yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận một gói thầu được coi là thuộc vào các trường hợp nêu trên, nếu không sẽ có tình trạng chủ đầu tư kiến nghị tràn lan, thủ tục thiếu nhất quán về điều kiện để được áp dụng chỉ định thầu.