Chất lượng công trình xây dựng không những có liên quan trực tiếp đến an toàn sinh mạng, an toàn cộng đồng, hiệu quả của dự án đầu tư xây dựng công trình mà còn là yếu tố quan trọng đảm bảo sự phát triển bền vững của đất nước. Để đạt được chất lượng công trình xây dựng như mong muốn, có nhiều yếu tố ảnh hưởng mà công tác giám sát được xem là một trong những yếu tố cơ bản nhất và có ý nghĩa quyết định.
Quy trình giám sát thi công xây dựng là gì?
Giám sát thi công xây dựng công trình là một trong những hoạt động giám sát xây dựng để theo dõi, kiểm tra về chất lượng, khối lượng, tiến độ xây dựng, an toàn lao động và vệ sinh môi trường trong thi công xây dựng công trình theo đúng hợp đồng kinh tế, thiết kế được duyệt và các quy chuẩn, quy phạm, tiêu chuẩn kỹ thuật hiện hành, các điều kiện kỹ thuật của công trình. Giám sát thi công xây dựng công trình có nhiệm vụ theo dõi kiểm lý – nghiệm thu – báo cáo các công việc liên quan tại công trường.
Quy trình tư vấn giám sát thi công xây dựng có vai trò rất quan trọng đảm bảo công trình được giám sát toàn diện giúp bảo đảm chất lượng công trình mục tiêu xây dựng và mang lại hiệu quả kinh tế cao cho chủ đầu tư. Việc giám sát thi công xây dựng công trình được quy định cụ thể tại Điều 120, Điều 121, Điều 122 Luật Xây dựng năm 2014 số 50/2014/QH13 ngày 18/6/2014 quy định về quyền, nghĩa vụ của chủ đầu tư, nhà thầu trong việc giám sát thi công xây dựng công trình và Điều 26 Nghị định 46/2015/NĐ-CP về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng.
Quy trình giám sát thi công xây dựng đóng vai trò cốt lõi của một công trình, về cả chất lượng, mục tiêu và hiệu quả sử dụng sau này. Người làm vị trí giám sát thi công xây dựng phải chịu trách nhiệm về vấn đề theo dõi cũng như kiểm soát về khối lượng trong cả công trình thi công theo đúng tiêu chuẩn về kỹ thuật hiện hành, đảm bảo được tiến độ thi công cũng như vấn đề an toàn cho người lao động. Đây phải là những kỹ sư có chứng chỉ hành nghề theo đúng quy định mà pháp luật đề ra.
Quy trình giám sát thi công xây dựng công trình gồm một số bước cơ bản như:
Kiểm tra tính đúng đắn của hồ sơ thiết kế: Đây là bước đầu tiên rất quan trọng trong công tác tư vấn giám sát, kỹ sư tư vấn có trách nhiệm và nghĩa vụ khảo sát, kiểm tra đánh giá thật kỹ hồ sơ thiết kế thi công, thẩm tra dự toán cùng các quy chuẩn kỹ thuật xây dựng được áp dụng và đối chiếu thực tế với hiện trạng thi công để kịp thời phát hiện các thiếu sót và đề ra các giải pháp hiệu quả đảm bảo chất lượng công trình tốt hơn và giảm thiểu các chi phí phát sinh không đáng có.
Xây dựng kế hoạch triển khai giám sát thi công: Kỹ sư trưởng phụ trách công tác giám sát sẽ căn cứ vào toàn bộ hồ sơ thiết kế đã được chỉnh sửa, nếu có kết hợp với các quy chuẩn kỹ thuật áp dụng cùng tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam hiện hành để lập ra kế hoạch công tác thực hiện chức năng giám sát thi công công trình xây dựng.
Đánh giá hồ sơ thiết kế thi công: Kiểm tra và đánh giá toàn bộ hồ sơ thiết kế thi công từng hạng mục công trình để đảm bảo tất cả đều thực hiện đúng theo quy chuẩn, tiêu chuẩn và kỹ thuật xây dựng.
Giám sát từng hạng mục xây dựng: Kỹ sư giám sát có trách nhiệm bao quát và giám sát chặt chẽ từng hạng mục thi công, kiểm tra từng số liệu thống kê về địa chất nơi xây dựng đối chiếu với thực tế hiện trường để kịp thời phát hiện những sai sót và đưa ra các giải pháp xử lý một cách hiệu quả nhanh chóng.
Kiểm tra và nghiệm thu chặt chẽ từng loại nguyên vật liệu xây dựng cùng các loại máy móc nhân công được đưa và sử dụng trong công trình, đảm bảo đúng như trong hợp đồng thi công mà nhà thầu đã ký với chủ đầu tư.
Đảm bảo tiến độ xây dựng: Đôn đốc và giám sát chặt chẽ tiến độ thực hiện của nhà thầu với từng hạng mục công trình, đảm bảo tiến độ thi công đúng thời gian như trong hợp đồng; Nghiên cứu và đề xuất các giải pháp hay giúp rút ngắn thời gian thi công nhưng vẫn đảm bảo chất lượng công trình tốt nhất.
Quản lý giá thành xây dựng: Tính toán và kịp thời báo cáo tình hình chênh lệch giá của vật liệu xây dựng hiện tại so với mức giá được tính toán trong hồ sơ thi công để kịp thời điều chỉnh giá thành dự toán và đề xuất các phương án giúp giảm giá thành xây dựng tốt nhất.
Báo cáo định kỳ: Đi cùng với báo cáo trực tiếp tại công trường về tình hình tiến độ, chất lượng thi công là báo cáo định kỳ hàng tháng và theo yêu cầu của chủ đầu tư. Báo cáo các yếu tố hạn chế, khiếm khuyết còn tồn tại và phương án xử lý tốt nhất cho chủ đầu tư.
Nghiệm thu hạng mục xây dựng và toàn bộ công trình: Tổ chức nghiệm thu từng hạng mục công trình đã xây dựng xong, các thiết bị lắp đặt và toàn bộ công trình xây dựng. Hạng mục công trình, công trình xây dựng hoàn thành chỉ được phép đưa vào khai thác, sử dụng sau khi được nghiệm thu bảo đảm yêu cầu của thiết kế xây dựng, tiêu chuẩn áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật cho công trình, quy định về quản lý sử dụng vật liệu xây dựng…
Thời gian qua, một số công trình quan trọng cấp Quốc gia, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Hội đồng nghiệm thu nhà nước các công trình xây dựng để kiểm tra công tác nghiệm thu của chủ đầu tư và tổ chức đánh giá mức chất lượng đạt được của công trình và khi đủ đảm bảo chất lượng mới chấp thuận kết quả nghiệm thu của Chủ đầu tư, cho phép chính thức đưa vào khai thác sử dụng. Mô hình này là một dạng ở cấp Quốc gia của quy trình nêu trên.
Giải pháp giám sát hữu hiệu, đảm bảo chất lượng công trình
Trong những năm gần đây, công tác quản lý, kiểm soát chất lượng các công trình xây dựng, nhất là các công trình có quy mô lớn, kỹ thuật phức tạp, ảnh hưởng đến an toàn cộng đồng đã được các cấp, các ngành, chủ thể trong hoạt động xây dựng tích cực triển khai thực hiện thông qua việc kiểm tra công tác kiểm tra nghiệm thu của Chủ đầu tư trong quá trình thi công và khi nghiệm thu hoàn thành đưa vào khai thác, sử dụng. Hàng năm, có từ 40.000-50.000 các công trình được thi công xây dựng trên khắp cả nước; theo số liệu thống kê năm 2019 của các địa phương và các Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành, các cơ quan chuyên môn về xây dựng đã tổ chức kiểm tra công tác nghiệm thu trên 35.000 công trình. Quá trình kiểm tra đã phát hiện ra nhiều tồn tại về chất lượng và yêu cầu Chủ đầu tư và các chủ thể tham gia hoạt động đầu tư xây dựng khắc phục trước khi nghiệm thu đưa vào sử dụng. Về cơ bản, chất lượng công trình xây dựng đã được kiểm soát tốt, tuy nhiên vẫn còn một số ít các công trình, chủ đầu tư không thực hiện việc báo cáo thông tin, báo cáo hoàn thành thi công xây dựng công trình, đưa công trình vào khai thác, sử dụng khi chưa được cơ quan chuyên môn về xây dựng có ý kiến chấp thuận kết quả nghiệm thu theo quy định, chất lượng công trình thấp, xuống cấp nhanh như cử tri tỉnh Bến Tre phản ảnh.
Nguyên nhân của tình trạng trên là do ý thức chấp hành các quy định của pháp luật của một số Chủ đầu tư và các chủ thể tham gia hoạt động đầu tư xây dựng công trình chưa cao; các chế tài xử lý vi phạm còn chưa đủ sức răn đe; công tác theo dõi, kiểm tra, giám sát của các cơ quan có thẩm quyền còn chưa chặt chẽ.
Để khắc phục các tồn tại nêu trên, Bộ Xây dựng đã xây dựng và trình Quốc hội ban hành Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng số 62/2020/QH14 được Quốc Hội khóa XIV thông qua ngày 17/6/2020; đồng thời đang nghiên cứu, xây dựng Dự thảo các Nghị định hướng dẫn Luật này, trong đó có những nội dung quy định cụ thể nhằm tăng cường kiểm soát chất lượng các công trình xây dựng; nâng cao chế tài xử lý vi phạm đối với các hành vi không chấp hành các quy định của pháp luật, tự ý đưa công trình vào khai thác, sử dụng. Đồng thời tiếp tục phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát chất lượng các công trình xây dựng.