Phân biệt các loại ắc quy và ứng dụng của chúng

banhbeo

Thành viên cơ bản
28/9/15
568
36
Mỗi loại ắc quy đề có những ưu điểm và khuyết điểm riêng, không có loại nào là tuyệt đối tốt hoàn toàn. Do đó tùy trường hợp mà dùng loại ắc quy nào là phù hợp. Dưới đây sẽ giới thiệu cho các bạn một vài loại ắc quy cơ bản và phổ biến hiện nay.

1. ắc quy châm nước:
Với dòng sản phẩm này, người sử dụng phải định kỳ châm nước để bảo dưỡng ắc quy. Nếu không châm nước kịp thời, ắc quy sẽ giảm tuổi thọ nhanh chóng. Các nút châm nước của dòng sản phẩm này được thiết kế lộ thiên để tiện cho việc châm dung dịch mỗi khi bảo trì. Nhược điểm của dòng sản phẩm này là khi nạp điện & phóng điện, ắc quy sẽ bốc mùi axit. Đó cũng chính là lý do vì sao nó được thiết kế hầu hết cho các ứng dụng ngoài trời (outdoor), chủ yếu là khởi động máy móc thiết bị (như xe máy, ô tô, máy phát,...). Nếu đặt nằm ngang hoặc úp xuống, điện dịch sẽ tràn ra ngoài gây ô nhiễm môi trường. Bình ắc quy này có thể dùng để thắp sáng, hoặc sử dụng như nguồn cấp khi không có điện lưới, tuy nhiên chức năng chính vẫn dùng để khởi động.
Ưu điểm so với các loại ắc quy khác là : các điều kiện sử dụng và điệu kiện nạp bình không yêu cầu quá gắt gao, nghiệm ngặt.

2. ắc quy miễn bảo dưỡng (MF - Maintenance Free):
Đây là dòng sản phẩm có cùng công dụng như dòng thứ 1, nhưng giúp cho người dùng rảnh tay hơn một chút. Miễn bảo dưỡng tức là chúng ta không cần phải châm nước bảo dưỡng định kỳ như dòng sản phẩm trên. Chỉ việc xài và khi hỏng thì ... đem vứt. Người ta hay gọi dòng sản phẩm này là "khô", nhưng không - ở đây chúng ta cùng thống nhất tên gọi là "miễn bảo dưỡng". Tại sao ư? Vì đây là dòng ắc quy a-xít chì, canxi được thiết kế cho mục đích khởi động. Mà đã là a-xít với chì mà bảo là khô thì nghe không lọt tai. Nếu không nhúng bản cực vào trong môi trường a-xít thì phản ứng hóa học nào xảy ra? Chưa tin ư? Thử liền - lôi một em ra cho nằm sấp, nằm nghiêng, nằm ngang, nằm kiểu gì cũng được miễn là không được để đứng. Cược với bạn là 5 phút sau, nước non sẽ lênh láng cả nhà. Người bán thì cứ bảo "khô" cho dễ bán thôi. Ở trong ắc quy này phải có nước (dung dịch a-xít) và bản cực. Do nó không cần phải châm nước nên dàn nút châm nước được quy ẩn xuống dưới mặt phẳng của ắc quy. Điện cực của ắc quy này cũng rất to phù hợp với nhu cầu khởi động. Xin nhắc lại, đây là dòng ắc quy khởi động - tuyệt nhiên không nên dùng cho những ứng dụng phóng sâu như thắp sáng, chích cá…
Điều kiện nạp bình và sử dụng cũng quy định nghiệm ngặt hơn so với bình ắc quy nước truyền thống.

3. ắc quy kín khí (AGM - Absorbent Glass Mat) với van điều áp (VRLA - Valve Regulated Lead Acid):
Hãy gọi dòng sản phẩm này là kín khí nhé (một số người hay gọi là khô kín khí - nhưng ở đây - chúng ta cùng thống nhất là kín khí). Kín với cả khí thì dung dịch đố mà tràn ra được. Bạn có thể gá nó theo chiều nào bạn muốn - nước vẫn không thể lọt ra ngoài. Tại sao không gọi là khô kín khí như người ta thường gọi? Đơn giản vì đây cũng là ắc quy chì - axit, nhưng được đóng kín với hệ thống van điều áp tích hợp - đủ an toàn cho người sử dụng. Dòng này được ứng dụng rất rộng từ dân dụng cho đến công nghiệp. Nhà sản xuất thường chia ra nhiều mục đích và cấp độ khác nhau để ứng dụng cho dòng sản phẩm này. Từ lưu điện cho hệ thống đèn khẩn cấp, thiết bị an ninh, UPS, cho đến xe đạp điện, quang năng, phong năng, ứng dụng viễn thông, điện lực...Tuy nhiên, muốn dùng với mục đích nào thì phải chọn đúng chủng loại .
Ắc quy loại này giá thành hơi cao, điều kiện sử dụng và hệ thống nạp đòi hỏi nghiêm ngặt hơn. Nếu thiếu nạp hay quá nạp đều làm tuổi thọ ắc quy giảm đáng kể.

4. ắc quy AGM Gel (Semi gel):

Dòng sản phẩm này được phát triển dựa trên dòng AGM VRLA. Chỉ khác mỗi một điểm là trên bề mặt của AGM VRLA được phủ thêm một lớp gel. Lớp gel này có khả năng làm chậm quá trình bay hơi (thoát khí) của dung dịch bên trong ắc quy. Điều này đồng nghĩa với tuổi thọ của ắc quy cũng được nâng lên.

5. ắc quy 100% Gel:
Sử dụng cho mục đích công nghiệp (không sử dụng cho mục đích khởi động) do tuổi thọ bền nhưng điện trở cao. Tuy nhiên, giá thành đang là một trở ngại lớn cho người sử dụng.
Điều kiện nạp đều rất gắt gao. Nếu đặt sai điện thể ngắt khi ắc quy đã nạp đầy đủ thì có khả năng phá hủy hoàn toàn hệ gel.


6. ắc quy khô:
Nếu bạn tháo remote TV, máy điều hòa, hay thỏi pin máy điện thoại, laptop và hét lên "đây là ắc quy khô" thì tui sẽ ... không cãi! Đây mới đúng nghĩa là ắc quy khô.
(Sưu tầm)
 

banhbeo

Thành viên cơ bản
28/9/15
568
36

3 nguyên nhân khiến ắc quy bị nổ

Khi sử dụng bình ắc quy trong kích điện hoặc cho các mục đích khác, người sử dụng thường được cảnh báo là ắc quy có thể bị nổ và làm bắn nước axít ra ngoài. Vậy, ắc quy bị nổ trong các trường hợp nào?



Các nguyên nhân gây nổ

Ắc quy có thể bị nổ khi người sử dụng vô ý làm chập điện ắc quy, thường là dây âm (-) chạm vào dây dương (+) hoặc ngược lại. Lúc này, ắc quy phóng một dòng rất lớn, phát tia lửa điện, gây nóng bình nhanh chóng và có thể phát nổ.
Ngoài ra, khi nạp ắc quy - đặc biệt là nạp với một dòng điện lớn thì ắc quy sẽ sinh ra hai loại khí dễ cháy nổ là hydrô và oxy. Bình thường với các ắc quy kín khí thì hai loại khí này sẽ kết hợp lại với nhau và tạo thành nước mà ít thoát ra ngoài, nhưng trong các ắc quy kiểu hở thì hai khí này bay vào không khí tại vị trí đặt ắc quy. Với một lưu lượng lớn hỗn hợp hai khí này thì khi có tác nhân là tia lửa (do hút thuốc lá, do đóng cắt công tắc điện, cắm dây hoặc rút dây điện tại các ổ cắm gần đó, kẹp hoặc tháo các mỏ kẹp cá sấu cho sạc....) thì có khả năng dẫn đến cháy nổ.
Một lý do khác khiến ắc quy phát nổ đó là do ắc quy bị quá nạp trong thời gian dài. Trong mọi chế độ nạp (giám sát bằng thiết bị nạp tự động hoặc chế độ nạp thủ công) thì cần giữ nhiệt độ ắc quy dưới mức 50 độ C. Việc nạp quá dòng, quá áp sẽ dẫn đến ắc quy bị nóng quá nhiệt độ cho phép, dẫn đến tuổi thọ ắc quy giảm nhanh và đặc biệt ắc quy có thể phát nổ nếu nhiệt độ quá cao.

Quá nạp là gì ?
Mọi hành động nạp điện vượt qua thông số cho phép của ắc quy đều được gọi là quá nạp, do vậy hiện tượng quá nạp có thể xảy ra ngay khi ắc quy chưa đầy điện.
Sử dụng ắc quy dung lượng quá nhỏ không phù hợp với khả năng nạp của bộ kích điện: Mỗi kích điện có khả năng xuất một dòng nạp nào đó (ví dụ 5A, 10A, 15A...). Thông thường có thể sử dụng các dòng nạp này đối với các ắc quy (hoặc hệ thống song song nhiều ắc quy) có dung lượng tổng lớn hơn 200Ah nhưng đối với các ắc quy dung lượng quá nhỏ thì sẽ gây quá nạp. Ví dụ, một bộ kích điện có dòng nạp lớn nhất 12A, khi sử dụng một ắc quy axit kiểu hở có dung lượng 50Ah đến 75Ah sẽ gây hiện tượng quá nạp. Như vậy, việc sử dụng các ắc quy dung lượng lớn hoặc đấu song song nhiều ắc quy sẽ hạn chế được phần nào hiện tượng này.
Rủi ro do chất lượng của kích điện hoặc các yếu tố khách quan: Các bộ kích điện thường được quảng cáo có chế độ nạp 3 giai đoạn - kéo dài tuổi thọ ắc quy - tuy vậy chế độ nạp này vẫn ẩn chứa những rủi ro nhất định Biến áp dùng để biến đổi 12 lên 220V lúc này làm nhiệm vụ biến đổi điện từ mức 220V xuống tầm 14,5-15V để nạp điện, việc điều tiết chế độ nạp (3 giai đoạn) qua Thyristor được điều khiển bởi mạch điện. Bởi một lý do nào đó (nhận biết sai mức điện áp ắc quy, mạch điện bị hư dẫn đến làm việc sai, chất lượng linh kiện xuống cấp, bụi và độ ẩm làm dẫn tắt trên mạch in, rơi nước vào máy, côn trùng thâm nhập...) mà sự điều khiển không đúng dẫn đến quá trình nạp diễn ra sai, nạp quá áp, nạp đầy không ngắt mà vẫn nạp tiếp, nạp đầy mà vẫn đặt điện áp ra ở mức 15V....Đây là các lý do dẫn đến hiện tượng bình ắc quy bị nóng và bốc mùi khi nạp. Do vậy cũng không nên tin tưởng hoàn toàn vào chế độ nạp của các kích điện mà không chú ý kiểm tra đến chúng - bởi ngoài lý do lỗi sản phẩm thì còn nhiều lý do khách quan khác nữa để dẫn đến cháy nổ ắc quy.