[Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố chính sách thuế quan mới trong “Ngày Giải phóng” Liberation Day ngày 2/4/2025]
Vào hồi 16:00, 2/4/2025, giờ bờ Đông (Washington DC), Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố chính sách thuế quan mới tại Vườn Hồng, Nhà Trắng, gọi đây là “Ngày Giải phóng” (Liberation Day) – thời khắc Mỹ "giành lại chủ quyền kinh tế".
Theo đó, từ ngày 5/4/2025, mức thuế cơ bản 10% sẽ áp dụng cho mọi hàng nhập khẩu từ các đối tác thương mại. Từ ngày 9/4, mức thuế “có đi có lại” cao hơn sẽ áp lên hơn 60 quốc gia mà Mỹ gọi là "gây mất cân bằng thương mại", như Trung Quốc (34%) và Việt Nam (46%).
Điểm đặc biệt, chính sách này không chỉ là thuế quan đơn thuần mà còn kết hợp cả rào cản phi quan thuế và các chính sách thao túng tiền tệ mà Mỹ cho rằng các quốc gia đang áp dụng cho hàng hóa Mỹ.
Mặc dù tăng thuế cao đột ngột, Tổng thống Trump coi mức thuế “có đi có lại” này là “hữu nghị”, vì Mỹ mới chỉ áp 50% mức thuế tính theo một công thức khá phức tạp của Bộ Tài chính Mỹ, nhằm để lại "dư địa linh hoạt" cho đàm phán.
VỀ CÔNG THỨC TÍNH THUẾ
Theo CNBC, Chính quyền Trump sử dụng công thức: Thuế quan = (Thâm hụt thương mại song phương) / (Tổng giá trị nhập khẩu từ nước đó). Ví dụ, Việt Nam xuất sang Mỹ 136,6 tỷ USD, nhập 13,1 tỷ USD, thâm hụt 123,5 tỷ USD – tương đương 90% tổng xuất, nhập khẩu, mà Mỹ cho rằng đây là mức "thuế" mà Việt Nam đang "áp" cho hàng hóa Mỹ. Do đó, Mỹ áp thuế 46%, tức một nửa mức tính toán (90%/2).
Với Trung Quốc, mức thuế 67% là dựa trên thâm hụt khoảng 320 tỷ USD/580 tỷ tổng kim ngạch thương mại. Do đó, Trung Quốc chịu 34% là 1/2 của 67%. Nhưng trên thực tế, Trung Quốc chịu mức thuế "trừng phạt" lớn hơn vì đã có thuế nền 20% trước đó, nên tổng thực tế sẽ ít nhất là 54%.
Công thức này phản ánh mức độ mất cân bằng thương mại theo cách tính của Mỹ, không dựa vào thuế danh nghĩa các nước công bố.
MỘT SỐ ĐIỂM TẠM RÚT RA TỪ CHÍNH SÁCH THUẾ QUAN MỚI ĐƯỢC CÔNG BỐ
1. THUẾ QUAN TOÀN DIỆN: Thuế không chỉ là công cụ tài chính mà là vũ khí kinh tế-chính trị, tích hợp an ninh quốc gia và tiền tệ, nhắm vào cấu trúc thương mại toàn cầu.
2. CÔNG THỨC TÍNH THUẾ DỰA TRÊN THÂM HỤT: Chuyển từ thuế theo ngành sang thuế quốc gia, dựa trên tỷ lệ thâm hụt thương mại song phương, như Việt Nam (90%) hay Trung Quốc (54% tổng thực tế).
3. THUẾ "HỮU NGHỊ” 50%: Tổng thống Trump cho rằng nức thuế “có đi có lại” này mới chỉ bằng nửa mức Mỹ tính toán, thể hiện ý định linh hoạt, mở đường cho đàm phán song phương với các nước.
4. TÁC ĐỘNG TOÀN CẦU HÓA: Làm gián đoạn chuỗi cung ứng, đẩy các nước và doanh nghiệp hướng tới nội địa hóa sản xuất, thay đổi xu thế thương mại tự do.
5. BỎ QUA WTO: Lần đầu tiên trong lịch sử, Chính quyền Trump dùng Đạo luật IEEPA 1977, tuyên bố tình trạng khẩn cấp kinh tế quốc gia, loại bỏ cơ chế đa phương, hành động đơn phương quyết liệt.
6. ÁP LỰC CHÍNH TRỊ: Ép các quốc gia điều chỉnh chính sách tỷ giá, thuế suất, hoặc mở cửa thị trường để tránh bị áp thuế cao hơn trong tương lai.
7. TÁI ĐỊNH HÌNH THƯƠNG MẠI QUỐC TẾ: Chính sách thuế quan mới đặt Mỹ ở vị trí trung tâm, buộc các nước đàm phán lại hiệp định thương mại theo chuẩn “America First”, thay vì quy tắc chung toàn cầu.
8. ẢNH HƯỞNG DOANH NGHIỆP MỸ: Các công ty phụ thuộc nhập khẩu (như Apple, Nike) phải tái cấu trúc chuỗi cung ứng, đối mặt tăng chi phí hoặc giảm lợi nhuận.
9. CHÚ KỲ ĐÀM PHÁN MỚI: Thuế quan là đòn bẩy mặc định, buộc các nước chấp nhận điều khoản thương mại có lợi cho Mỹ, thay vì dựa vào thể chế đa phương như trước.
10. TÁC ĐỘNG ĐẾN CÁC ĐỒNG MINH TRUYỀN THỐNG: Các nước như Nhật Bản (24%), Hàn Quốc (25%), EU (20%) chịu thuế, gây căng thẳng quan hệ đồng minh, dù mức thuế thấp hơn các nước xuất siêu lớn như Việt Nam.
Chính sách này phản ánh nỗ lực của Chính quyền Tổng thống Trump trong việc giảm thâm hụt thương mại, vốn đạt 1,2 nghìn tỷ USD năm 2024, nhằm tái định vị Mỹ trong thương mại toàn cầu. Tuy nhiên, nó cũng tiềm ẩn rủi ro lớn về giá cả, trả đũa cũng như các bất ổn kinh tế.