saigonco

Thành viên cơ bản
21/5/13
460
10
Cải chính thông tin về Dự án cầu Thuận Phước

Trích thư nguyên văn của anh Mai Triệu Quang​

Vừa qua trên báo Lao động có loạt bài về chất lượng công trình giao thông ở Việt Nam, đã nêu được thực trạng chung và các vấn đề nóng của ngành. Tuy nhiên một số thông tin trích dẫn không chính xác (không biết phóng viên lấy nguồn từ đâu hay tự sáng tác ra :) đã làm mất tính trung thực của bài viết, làm thiệt hại cho các doanh nghiệp liên quan, theo kiểu 'vơ đủa cả nắm". Để đảm bảo thông tin chính xác đến được với công luận và các đồng nghiệp, và cũng chia sẻ các thông tin về kỹ thuât, bài học kinh nghiệm rút ra từ một Hợp đồng có rủi ro, có thể có ích cho các dự án sắp đến, tôi xin gởi một phản hồi của Công ty ECC ở Đà Nẵng, liên quan đến dự án lớp phủ mặt cầu thép Thuận Phước. Trong Công văn đã có dẫn link đến các tài liệu như Hợp đồng, các báo cáo đanh giá, báo cáo quá trình sửa chữa...để các đồng nghiệp quan tâm có thể tải về.


Công ty Cổ phần ĐTXD ECC
Số: 215/CV-ECC/2013 -----***------
Đà Nẵng, ngày 11 tháng 12 năm 2013.

Kính gởi: - Tòa soạn Báo Lao động
- Văn phòng Miền Trung – 86 Lê Duẩn, Tp Đà Nẵng
- Nhóm Phóng viên báo Lao động, tác giả bài viết
“Các công trình gian dối đây - thưa Bộ trưởng Bộ GTVT! Ngày 27 tháng 11 năm 2013”

Đồng kính gởi: - Bộ Giao thông Vận tải
- Ủy ban Nhân dân Thành Phố Đà Nẵng
- Sở Giao thông Vận tải Đà Nẵng
- Ban Quản lý Dự án ĐTXD GTCC Đà Nẵng

“Về việc: Cung cấp thông tin và yêu cầu cải chính các thông tin không chính xác trong bài báo ngày 27 tháng 11 năm 2013”


Công ty cổ phần Tư vấn và Đầu tư xây dựng ECC (dưới đây gọi tắt là Công ty ECC), có Văn phòng chính tại Đà Nẵng, là đơn vị thi công Hạng mục lớp phủ mặt cầu thép cầu Thuận Phước, được đề cập trong bài báo của các tác giả nói trên.

Chúng tôi gởi Công văn này đến Quý báo bày tỏ sự không đồng tình với các thông tin nêu trong bài báo vì không đúng sự thật và ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của Công ty chúng tôi cũng như hoạt động kinh doanh của Công ty.

Sau đây là các thông tin chính thống của Hợp đồng thi công hạng mục này, được gởi đến Quý báo với các tài liệu chứng minh cụ thể:

1/ Công ty ECC đã thực hiện Hạng mục lớp phủ mặt cầu thép cầu Thuận Phước vào năm 2009 theo Hợp đồng ký với Nhà thầu chính là Công ty Cổ phần Cơ khí Xây dựng Công trình 623 (Cienco6). Thời gian bảo hành được ghi rõ trong Hợp đồng với Nhà thầu chính là 12 tháng kể từ ngày nghiệm thu hoàn thành hạng mục xây lắp.

Hợp đồng kinh tế ký vói Nhà thầu chính 623 có điều khoản Bảo hành 12 tháng(mục 1.3)
https://drive.google.com/?authuser=0&usp=gmail#folders/0B-0auOW3sXVWbXpYV1RrT1hPS2M

Tất cả hoạt động thi công của Công ty ECC đều được các bên liên quan gồm Tư vấn Thiết kế, Tư vấn Giám sát, Ban quản lý Dự án kiểm tra và nghiệm thu theo đúng các quy định của Nhà nước. Giá trị quyết toán của hạng mục này là gần 14 tỷ đồng, chiếm khoảng 1,3% giá trị của cả cây cầu. Tất cả thông tin về quá trình thi công và kiểm soát chất lượng hạng mục lớp phủ này đều được công khai chia sẻ trên web ngay trong quá trình thi công:
www.bachkhoadanang.net/forum/viewtopic.php?p=8675&sid=360c3b737bb02a7f22779b763da7876d

2/ Cầu Thuận Phước đã được chính thức thông xe ngày 14 tháng 07 năm 2009. Trong năm đầu tiên, việc kiểm soát xe trọng tải nặng qua cầu bằng trạm kiểm soát hai đầu cầu chưa được thực hiện nên vẫn có hiện tượng xe trọng tải nặng lén lút qua cầu vào ban đêm. Công ty ECC đã có công văn báo cáo Chủ đầu tư về việc này và trên các trang báo mạng cũng đã phản ảnh hiện tượng này (có thể dễ dàng kiểm tra bằng lệnh tìm kiếm trên mạng Internet). Cầu vẫn lưu thông bình thường suốt một năm mà không có vấn đề gì (từ tháng 07 năm 2009 đến tháng 07 năm 2010).

3/ Vào giữa mùa nắng nóng tháng 07 năm 2010, trên mặt cầu ở làn xe giữa cầu có xuất hiện vết nứt cục bộ, tại vị trí vệt xe trọng tải nặng. Các vệt nứt này hoàn toàn không ảnh hưởng đến an toàn giao thông, và đã được Công ty ECC cho láng nhựa bảo vệ ngay lập tức. Thông tin này có thể kiểm chứng dễ dàng trên mạng Internet.
Ảnh trên Báo VTC New ngày 22 tháng 07 năm 2010
vtc.vn/2-255045/xa-hoi/da-nang-xuat-hien-vet-nut-la-tren-mat-cau-thuan-phuoc.htm

4/ Vào giữa mùa nắng nóng các năm 2011, 2012, các dạng hư hỏng lan rộng, chủ yếu là xô dồn mất bằng phẳng tập trung vào hai làn xe giữa cầu. Các hư hỏng này đều được Công ty ECC khắc phục bằng cách gọt các chỗ lồi và sửa cục bộ đảm bảo độ bằng phẳng an toàn chạy xe và vẫn phục vụ tốt cho đến mùa nắng năm sau. Riêng năm 2012, sau khi xin phép cơ quan chủ quản là Sở Giao thông Vận tải Đà Nẵng, Công ty ECC đã tiến hành thi công ứng dụng một đoạn vật liệu mới trên 200m dài đoạn phía Đông cầu, để kiểm chứng tính năng làm việc của vật liệu phù hợp cho việc sửa chữa đại trà, đồng thời khắc phục tạm các vị trí còn lại đảm bảo êm thuận. Mặt cầu đã được khai thác bình thường đến mùa nắng nóng 2013. Kinh phí của đợt sửa chữa này là 1,7 tỷ đồng do Doanh nghiệp tự bỏ ra thực hiện cùng các nghiên cứu của Doanh nghiệp.
Báo cáo đánh giá công nghệ lớp phủ mặt cầu Thuận Phước năm 2012, sau 3 năm khai thác
https://docs.google.com/file/d/0B-0auOW3sXVWVjcxVGdxZzFOemM/edit
5/ Tháng 08 năm 2013, sau khi có báo cáo đánh giá sự làm việc tốt của vật liệu và phương pháp xử lý tăng dính bám bằng râu thép trên đoạn thử nghiệm, Công ty ECC đã xin Sở Giao thông Vận tải Đà Nẵng và UBND Thành phố Đà Nẵng cho đóng cầu trong 15 ngày, để sửa chữa triệt để các vị trí còn lại. Việc sửa chữa cũng đã gặp khá nhiều khó khăn do thời tiết không thuận lợi, đẩy chi phí sửa chữa lên rất cao; tuy nhiên với sự hỗ trợ của các cơ quan: Ban quản lý Dự án, Sở Giao thông Vận tải và tập thể cán bộ công nhân, kỹ sư của Công ty, Công ty ECC đã hoàn thành công việc sửa chữa quy mô lớn (Báo cáo đính kèm).
Link để tải Báo cáo sửa chữa mặt cầu Thuận Phước tháng 8 năm 2013 do ECC lập và đã trình các cơ quan chức năng.
https://drive.google.com/?authuser=0&usp=gmail#folders/0B-0auOW3sXVWbXpYV1RrT1hPS2M
Tổng chi phí cho đợt sửa chữa sau cùng này lên đến trên 5 tỷ đồng, một lần nữa cũng là tiền từ mồ hôi nước mắt của cán bộ, công nhân, kỹ sư của Công ty ECC chứ không phải là “hàng trăm tỷ đồng vốn ngân sách” như bài báo viết.
Công văn của Sở Giao thông báo cáo UBND Đà Nẵng về phương án sửa chữa, trong đó khẳng định ECC chi trả kinh phí
https://drive.google.com/?authuser=0&usp=gmail#my-drive
Việc sau 4 năm khai thác, Doanh nghiệp vẫn bỏ ra một khoản tiền lớn để áp dụng công nghệ vật liệu mới để sửa chữa lớp phủ mặt cầu thép cầu Thuận Phước là nỗ lực rất lớn của Doanh nghiệp trong điều kiện suy thoái kinh tế hiện nay, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao của Doanh nghiệp đối với công việc mình làm, mặc dù không có ràng buộc trong Hợp đồng như đã nêu ở mục 1 nói trên.
6/ Vấn đề lớp phủ mỏng trên mặt cầu thép hiện đang rất mới ở Việt Nam và cũng là khó khăn chung của ngành Giao thông Vận tải. Hiện tại, chưa có một công nghệ hoàn chỉnh cho kết cấu mặt cầu trên bản thép trực hướng này (Ví dụ như mặt cầu Thăng Long cũng là một điển hình), các rủi ro về kỹ thuật là điều khó tránh khỏi. Ở cầu Thuận Phước, việc Công ty ECC đã phải tự bỏ chi phí thực hiện các nghiên cứu, ứng dụng công nghệ và thực hiện công tác sửa chữa suốt thời gian qua nên được các Nhà báo và công luận biết rõ và có đánh giá khách quan và công bằng hơn.
Bằng công văn này, chúng tôi chính thức đề nghị Quý báo kiểm tra và cải chính về các thông tin không đúng trong bài báo đã nêu vì trách nhiệm của Quý báo là nêu sự thật. Chúng tôi sẵn sàng giúp Quý báo bằng cách cung cấp các thông tin bổ sung khi Quý báo yêu cầu để làm rõ tất cả các vấn đề đã nêu trong Công văn của chúng tôi.

Trân trọng,


GIÁM ĐỐC

MAI TRIỆU QUANG
Nơi nhận:
- Như trên; (Đã ký và đóng dấu)
- Lưu VT.

Tài liệu đính kèm
(i) Nội dung bài báo xuất bản ngày 27 tháng 11 năm 2013: Các chỗ thông tin không chính xác được bôi đỏ và làm đậm
(ii) Hợp đồng thi công lớp phủ mặt cầu Thuận Phước với điều kiện bảo hành
(iii) Các báo cáo kỹ thuật trong và sau khi thi công, sau khi xảy ra sự cố, sau khi hoàn thành sửa chữa
(iv) Công văn của Sở Giao thông Vận tải báo cáo Ủy ban, trong đó khẳng định các chi phí sửa chữa là của doanh nghiệp, không phải vốn ngân sách.
 
Sửa lần cuối:

Cu-Li

Thành viên chính thức
14/5/13
162
11
Mạn phép copy bài trả lời của chú Ngọc!

===================================
Cái vấn đề của anh Quang nêu ra là hay ra phết, có nhiều người thực sự quan tâm hơn so với những vấn đề khác. Chắc là bởi nó thiết thực, tác động thực sự, cụ thể đến cuộc sống. Một vài suy nghĩ về vấn đề này xin chia sẻ như sau:

1. Về việc đòi hỏi trình độ nhà báo phải cao:

Tôi cho rằng đây là đòi hỏi không tưởng tại thời điểm hiện nay ở nước ta. Rau bẩn, giao thông bị cướp ngày, y tế như đao phủ, giáo dục vô giáo dục, tham nhũng tràn lan thì lẽ đương nhiên chất lượng nhà báo sẽ phải ...xấu đều hơn tốt lỏi cho nó được hoà nhập. Đến ngay những người đóng vai chuyên gia hàng đầu của ngành còn ú ớ, chém gió ào ào về nguyên nhân sự cố mà lại đi đòi hòi nhà báo phải viết các bài báo phân tích sự cố có chất lượng thì quả là đòi hòi quá đáng. Trong cái chuyện sự cố thì có chuyện người không biết rõ thì hay bi bô còn người biết rõ thì lại sợ không dám và không được có ý kiến phổ biến rộng rãi. Vì thế sẽ rất khó cho nhà báo có được các thông tin tin cậy để viết bài bởi chủ yếu là lấy được tin từ những người bi bô mà thôi. Như vây, các nhà báo là những người đáng được thông cảm trong các vấn đề kỹ thuật chuyên sâu. Nói như vậy không có nghĩa là chấp nhận những thông tin sai lè lè mà ai cũng có thể thấy được. Trường hợp của anh Quang là một trong các trường hợp cần phải được làm rõ và không thể chấp nhận cái sai của nhà báo được.

Tuy nhiên, việc hy vọng báo Lao động và nhà báo chấp nhận dễ dàng cái sai thì là không nên đúng như nhận định của bạn Nguyên Xuân Quân đã nêu. Cái này thì thường tình, chẳng có gì đáng ngạc nhiên cả. Chúng ta đang sống rất an toàn về thần kinh bởi mọi người đều nghĩ là mình đúng. Nói dại, đột nhiên vào một ngày xấu giời nào đó, mọi người chợt nhận ra bản thân mình thực sự là thế nào thì có khi dẫn đến tự tử hàng loạt.

2. Về cách giải quyết trường hợp của anh Quang:

Thực tế cho thấy, khi cần giải quyết một công việc nào đó thì có rất nhiều cách làm "bài bản và chuyên nghiệp" khác nhau. Tuỳ theo nhận thức, cách được giáo dục mà mỗi người có quan niệm về cách làm việc "bài bản và chuyên nghiệp" là không giống nhau. Ông được học ở Thuỵ điển, thằng được học ở Nga, gã được học ở Nhật, ả được học ở Mỹ sẽ bị ảnh hưởng bởi cái nơi mà mình đã bú tí để rồi cho ra cái "bài bản và chuyên nghiệp" riêng của mình. Thế rồi, khi về nước áp dụng thì không được rồi thì la toáng lên là ở ta ....thiếu cái này, thiếu cái nọ để phù hợp với cái "bài bản và chuyên nghiệp" của riêng mình. Và rồi cố gắng kéo, ép mọi người phải phù hợp với cái "bài bản và chuyên nghiệp" riêng đó. Khổ thân cho cái nước ta, bị quá nhiều người lôi kéo theo các hướng khác nhau. Không cẩn thận thì có ngày bị kéo xé tan xác.

Như vậy, việc giải quyết có "bài bản và chuyên nghiệp" cứng nhắc thì chưa chắc đã đạt được kết quả tốt. Cách giải quyết nào cho kết quả cuối cùng tốt thì cách đó sẽ đúng thật sự là "bài bản và chuyên nghiệp". Cái này thì khó biết trước được mà chỉ có cách là tham khảo các trường hợp đã xảy ra để rồi phân tích ứng xử phù hợp với hoàn cảnh cụ thể. Nếu thấy có trường hợp nào tương tự đã được thực hiện very "bài bản và chuyên nghiệp" nhưng kết quả không tốt thì chớ nên theo. Còn khi thấy trường hợp nào thực hiện very củ chuối, không vi phạm luật pháp và thuần phong mỹ tục mà lại cho kết quả tốt thì dù cho cái người thực hiện đó là ông xe ôm hay ả cave chứ không phải là giáo sư tiến sĩ thì cũng nên gọi cái ông xe ôm, ả cave đó là thầy để mà học tập.

Quán triệt các ý tưởng nêu trên thì tôi thấy có các bước thực hiện sau cho vấn đề của anh Quang.

- Học tập bố già Maphia ở giai đoạn đầu: Nói chuyện phải quấy chân tình với báo Lao động và nhà báo. Cái này anh Quang đã làm rồi.
- Tiến hành kiện. Cái việc này cũng đừng ngây thơ tin vào chuyện cổ tích là sẽ có hậu. Mục đích chính chỉ là chính thức ném đá xuống mặt ao để tạo sóng mà thôi.
- Phổ biến ở các phương tiện thông tin xã hội như hòm thư chung, diễn đàn.
- Viết báo, trả lời phỏng vấn ở các báo khác để phản đối các thông tin sai ở báo Lao động

Riêng cái phần viết báo và trả lời phỏng vấn ở báo khác thì mong những người có uy tín đứng ra thực hiện nếu thấy cần thiết. Đừng đợi anh Quang nhờ vả bởi như thế sẽ hơi giống với chuyện gọi đồng bọn đi đánh hội đồng. Nếu ai thấy cần bảo vệ lẽ phải theo đúng cái mà người ta gọi là đạo đức thì cứ tự động mà làm.

Tất cả các việc này là để tạo ra đám mây rực rỡ với các thông tin đúng nhằm át đi cái thông tin sai mà báo Lao đông đã đưa ra. Khi người ta tra thông tin trên mạng thì ngoài cái thông tin không đúng của báo Lao động thì người ta cũng sẽ nhận được nhiều thông tin phản đối khác. Đừng ngây thơ mong chờ báo Lao động dễ dàng cải chính cũng như đừng ngây thơ mong chờ sự nhận thấy sai của những vị tự cho rằng họ đang đặt cái dùng để ngồi của họ lên trên đầu thiên hạ.
 

amateurish

Thành viên cơ bản
1/4/13
84
5
Có phải các công trình bị sự cố đều là gian dối? (*)

Quan điểm của em đến lúc người làm nghề Xây dựng cũng phải lên tiếng, không thể để những phóng viên không có chuyên môn viết báo nữa.
Kính gởi cả nhà một bài phản hồi trên Báo Xây dựng----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Có phải các công trình bị sự cố đều là gian dối? (*)

LTS: Vừa qua trên một tờ báo lớn ra ngày 27/11/2013 có loạt bài viết “Các công trình gian dối đây - thưa Bộ trưởng Bộ GTVT!”, trong đó nêu lên một số vấn đề về các công trình giao thông trong cả nước với một loạt sự cố. Công trình nào khi xảy ra sự cố đều cũng cho là gian dối trong thi công hay thi công kém chất lượng…
Trước loạt bài viết đó, kỹ sư Phạm Quyết Thắng đã gửi cho Báo Xây dựng bài viết liên quan đến vấn đề sự cố tại các công trình hiện nay như lời muốn nói về nghề nghiệp của những con người kỹ sư làm nghề xây dựng, lòng tự trọng trong nghề nghiệp và sự cống hiến của họ đối với việc xây dựng đất nước như ngày hôm nay. Kỹ sư Thắng cũng cho rằng vai trò của các nhà báo, của các phóng viên khi phản ánh những vấn đề này cần có sự hiểu biết sâu sắc về nguyên nhân của những sự việc xảy ra để có bài viết phản ánh đúng, khách quan. Bởi với những bài viết không đúng sự thật sẽ tác động không nhỏ đến xã hội làm ảnh hưởng đến DN đến những người kỹ sư chân chính khi tham gia xây dựng các công trình được cho rằng là gian dối. “Thông qua Báo Xây dựng, một tờ báo chuyên ngành, tôi muốn gởi đến các nhà chuyên môn về ý kiến phản biện bài báo “Các công trình gian dối đây - thưa Bộ trưởng Bộ GTVT!”, trong góc nhìn kỹ thuật và lòng tự trọng nghề nghiệp, lòng tự trọng của con người miền Trung”, kỹ sư Thắng viết. Báo Xây dựng xin chuyển tải đến bạn đọc bài viết của kỹ sư Phạm Quyết Thắng với góc độ phản biện để bạn đọc có cái nhìn rõ hơn, khách quan hơn đối với các công trình bị sự cố vừa qua. “ Bài viết gian dối đây thưa Bộ trưởng Bộ GTVT !”
PEt0cnWBAH1U1YKI7YKousrtNb4BkXb2v5NTYYif48tB0R1-NgX6Mpd_DUgfcJ1R7otfqTPHiIcHRs5hqhXAUt9INyHGIe0c9G3oSFl9AkJMTqbqgjJ13NWsXAB_rzYqyd0=s0-d-e1-ft
Cầu Thuận Phước được thiết kế cho việc phát triển du lịch nên chỉ dành cho xe du lịch tải trọng thấp H13, do vậy khi xe tải trọng lớn chạy qua đã làm biến dạng mềm mặt thép, làm bung lớp bê tông nhựa epoxy cứng bên trên và khi đã bung ra thì nó không thể tự dính lại được, đây là nguyên nhân chính thức làm trượt lớp phủ.

Chúng ta phải công nhận rằng, sự phát triển của khoa học kỹ thuật trong xây dựng, giao thông, cầu đường tại Việt Nam thực sự chỉ mới phát triển trong những năm gần đây. Nhưng sự phát triển này chỉ ở mức trong nước mang tính vừa làm vừa nghiên cứu là chủ yếu. Đối với các công trình xây dựng hiện đại có quy mô lớn, yêu cầu kỹ thuật cao đó còn là một thách thức đối với Việt Nam hiện nay. Riêng các công trình cầu có quy mô lớn và hiện đại thì vấn đề kỹ thuật xây dựng quả là điều còn khá mới mẻ đối với sự phát triển của Việt Nam. Tuy nhiên với tinh thần chịu khó, ham học hỏi, nghiên cứu nhiều công trình có thiết kế phức tạp đã được các kỹ sư, chuyên gia trong nước thi công thành công góp phần vào sự thay đổi của đất nước Việt Nam. Sau khi đọc một loạt bài viết “Các công trình gian dối đây - thưa Bộ trưởng Bộ GTVT!”. Là người đã từng theo dõi, chứng kiến thực tế của các công trình này, tôi xin gởi đến Báo Xây dựng, đây là tờ báo có chuyên trang về ngành xây dựng, nơi tôi muốn gởi đến các nhà chuyên môn về ý kiến phản biện bài báo “Các công trình gian dối đây - thưa Bộ trưởng Bộ GTVT!”, trong góc nhìn kỹ thuật và lòng tự trọng nghề nghiệp.

Từ công trình cầu Thuận Phước Cầu Thuận Phước là cầu treo dây võng có khẩu độ lớn, bắc qua Vịnh Thuận Phước nằm ở vị trí đầu biển, cuối sông Hàn. Cầu được xây dựng là một mắt xích quan trọng trong mạng lưới giao thông phục vụ du lịch, phát triển kinh tế - xã hội của Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung. Đây là dự án có quy mô lớn, sử dụng nhiều công nghệ mới, phức tạp lần đầu tiên áp dụng trong công nghệ xây dựng cầu tại Việt Nam. Cầu xây dựng sử dụng cho xe có tải trọng thiết kế: Đoàn xe H10, kiểm toán X60 (TCVN). Trong những năm 2002 - 2003, việc xây dựng một công trình có quy mô lớn và công nghệ mới, phức tạp như cầu Thuận Phước dường như là một công việc quá sức đối với một địa phương, là một công việc quá khó khăn đối với các nhà thầu, nhà tư vấn. Đó là sự khác biệt giữa các cấu trúc, đặc biệt là lớp phủ mặt cầu thép, cũng như không có khả năng nhận biết được cái khó của công nghệ mới này đối với nền tảng công nghệ, trình độ thực thụ tại thời điểm đó của Việt Nam nói chung và kỹ sư cầu đường nói riêng. Thi công nhịp cầu dầm thép hàn với nhịp liên tục chiều dài nhịp 655 m là một thành tựu mới của ngành cầu đường Việt Nam. Bởi từ trước đến thời điểm này các cầu thép xây dựng chỉ có chiều dài từ 40 - 100m sử dụng kết cấu dàn thép như cầu Nguyễn Văn Trỗi, cầu Bến Thuỷ, cầu Chương Dương... Với sự mạnh dạn ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ mới trong lĩnh vực xây dựng cầu đường. Sự ủng hộ của chính quyền Đà Nẵng, sự hỗ trợ về mặt kỹ thuật và kinh tế của Bộ GTVT, Bộ Xây dựng và của các chuyên gia đầu ngành đã từng bước giải quyết các vướng mắc về kỹ thuật trong thi công cầu Thuận Phước. Và hôm nay, Đà Nẵng đã có thêm một cây cầu hiện đại, độc đáo. Tuy nhiên, sau khi khánh thành đưa vào sử dụng, một số sự cố đã xảy ra trên lớp phủ mặt cầu Thuận Phước. Đây là hạng mục do Cty BK-ECC đứng ra đảm nhận thi công. Nguyên nhân của nó đó là sau khi khánh thành, cây cầu không có người trông coi, hàng loạt những chiếc xe tải trọng lớn chạy lén qua cầu mỗi đêm. Bởi đi qua cầu Thuận Phước có thể rút ngắn thời gian rất nhiều từ cảng ra phía bắc hoặc vào TP đã làm hư hỏng bề mặt cầu. Tôi cũng xin nhắc lại rằng, cầu Thuận Phước được thiết kế cho việc phát triển du lịch nên chỉ dành cho xe du lịch tải trọng thấp H13. Do vậy khi xe tải trọng lớn chạy qua đã làm biến dạng mềm mặt thép. Điều này làm bung lớp bê tông nhựa epoxy cứng bên trên và khi đã bung ra thì nó không thể tự dính lại được, đây là nguyên nhân chính thức làm trượt lớp phủ và mọi chuyện như các bạn đã biết. Cty BK-ECC đã có lần chụp ảnh và phản ứng nhưng sự việc đã quá muộn. Tôi có thể khẳng định không thể có giá trị nhân cách kỹ sư xây dựng nào cũng “gian dối”. Khi lớp phủ phần mặt cầu thép này được nhà thầu Trung Quốc đưa ra mức giá là 32 tỷ, với phương châm: “Nếu bây giờ không làm thì mấy nghìn năm nữa kỹ sư Việt Nam mới có kinh nghiệm”. Cty BK-ECC đã đứng ra nhận với giá trị 14 tỷ. Riêng việc này đã làm lợi cho nhà nước không nhỏ. Sau một loạt các thí nghiệm trong và ngoài nước, cuối cùng công nghệ được chọn là bê tông nhựa epoxy của Mỹ (công nghệ của hãng Chemco System đã được chứng minh ở cầu Cổng Vàng nổi tiếng của Mỹ). Thực tế tại thời điểm thi công lớp phủ mặt cầu, điều kiện phục vụ cho công nghệ này không thể đáp ứng hết 100%, nhưng với sự lao động quên mình, ngày cũng như đêm, cùng sự tư vấn của các chuyên gia từ Mỹ sang, BK-ECC đã làm được. Qua kiểm tra đánh giá của các bên liên quan, lớp phủ đạt chất lượng tốt. Thời điểm xuất hiện hư hỏng bề mặt cầu, nhà thầu BK-ECC đã hết hạn bảo hành 12 tháng với nhà thầu chính. Song với lòng tự trọng của những người kỹ sư chân chính, Cty này đã sửa lại mặt cầu với giá trị lên đến 5 tỷ bằng tiền của mình, đây là hành động của người “trọng danh dự” mà không dễ có ở bất cứ nơi nào khác tại Việt nam. Vậy câu “Hơn thế nữa, mặt cầu liên tục bị hư hỏng, lồi lõm, dồn cuộn... tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn. Đã có ít nhất 4 lần cầu bị “đóng cửa” thời gian dài để nâng cấp, sửa chữa, khắc phục với mức ngân sách hàng trăm tỉ đồng mỗi lần”, không biết tác giả bài viết căn cứ vào đâu mà viết !? Cũng cần nói rõ về mục tiêu xây dựng cây cầu này là phát triển du lịch, phục vụ cho tiêu chí phát triển xanh của Đà Nẵng, mục tiêu này do nhân dân và lãnh đạo TP Đà Nẵng đã quyết, đường lối phát triển đã rõ ràng từ 10 năm trước. Đà Nẵng không đánh đổi phát triển TP bằng những con sông ô nhiễm, bằng sức khoẻ của nhân dân chỉ để phục vụ cụm từ “cân bằng nguồn thu” nên câu “Thế nhưng, ngay sau khi khánh thành, cây cầu này chỉ cho phép xe gắn máy và ôtô du lịch lưu thông” đã cho thấy người viết không những thiếu hiểu biết chuyên ngành xây dựng, mà còn thiếu cả về thông tin xã hội của địa phương.

Đến mặt đường lún Điều đầu tiên chúng ta có thể khẳng định là: Không phải tất cả con đường nào lún cũng liệt hết vào “gian dối”. Trên thực tế nếu con đường được thiết kế tải trọng 30 tấn, nhà thầu thi công đất chất lượng đúng thiết kế, kinh phí đúng dự toán, tất cả đều đạt chuẩn. Nhưng khẳng định chắc chắn rằng công trình đó cũng sẽ liệt vào hàng “gian dối” khi xe có tải trọng 100 tấn đi vào. Bởi kể cả về mặt lý thuyết lẫn thực tiễn, con đường 30 tấn không thể chịu được tải trọng 100 tấn. Mặt khác, việc lún còn có nhiều nguyên nhân như: Sự phức tạp của kết cấu nền đất ở từng vị trí, khí hậu đặc thù từng vùng miền... Hay vấn đề lún ở công trình đại lộ Đông Tây, đó là hiện tượng lún vệt bánh trong các lớp bê tông nhựa phía trên, dưới tác dụng bất lợi của tải trọng nặng, chạy chậm và thay đổi tốc độ, không phải lún nền. Nhà thầu chính thực hiện là của Nhật (Obayeshi), nhà thầu phụ thảm là Cty BMT thuộc loại số 1 Việt Nam về BTN. Thiết kế hỗn hợp thảm thử lại là một Viện danh tiếng ở phía nam. Tư vấn giám sát cũng của Nhật. Nếu vơ đũa cả nắm thế này thì tất cả nhà thầu và tư vấn giám sát đều gian dối ?

Về vết nứt bê tông, không phải cứ nứt là “gian dối”
Người không có chuyên môn cũng có thể hiểu một cách chính xác là: Bê tông không phải là một thực thể đồng nhất xuyên suốt như thép. Bê tông được cấu thành từ cốt liệu khác nhau như đá, cát, xi măng, nước. Với lượng đá, cát, sạn, xi măng… khác nhau sẽ cho ra chất lượng, cường độ nén khác nhau và dễ bị chi phối bởi thời tiết, môi trường khi đổ, như nắng, mưa... khô hanh. Chính vì lẽ đó mà bê tông nứt cũng có nhiều nguyên nhân, như nứt do co ngót, nứt kết cấu do biến dạng nền hay do vượt sức chịu tải hoặc do sai sót trong quá trình thiết kế hay do đơn vị nào đó ăn... đất, ăn xi măng, sắt thép... Khi công trình có xuất hiện nứt các nhà chuyên môn sẽ xem xét dạng nứt nào không ảnh hưởng đến chịu lực, dạng nứt nào là ảnh hưởng, dạng nào là do ăn bẩn. Từ đó những nhà chuyên môn sẽ đưa ra biện pháp xử lý và vết nứt dạng nào thì xử lý triệt để, những dạng vết nứt nào thì xử lý “dùng vôi vữa trét, trám thủ công”. Dạng nào thì đưa đến công an, quyết không thể hiểu theo cách hẹp thể tích là “trấn an dư luận” của bài viết “Các công trình gian dối đây - thưa Bộ trưởng Bộ GTVT!” như vậy được. Ta bắt đầu từ một câu danh ngôn “Sự phát triển tột cùng của khoa học là nó thay cái lầm cũ bằng một cái lầm mới ít vô nghĩa hơn”. Như vậy, những sự cố kỹ thuật nêu trên nó phải được người viết nhìn nhận bằng một quan điểm chuẩn mực khách quan, thể hiện trách nhiệm về đề tài của mình bằng sự tìm tòi, sự lăn lộn trong thực tế để tạo nên những bài viết có giá trị như những tác phẩm để đời cho công chúng. Bởi trên thực tế cũng như trên lý thuyết rằng: “Mọi sự kiện đều bắt nguồn từ hiện tượng mà hiện tượng đều bắt đầu từ nguyên nhân”, như vậy khi muốn viết về “hiện tượng” thì người ta phải tìm hiểu nguyên nhân một cách chu đáo, quyết không thể vì đặc ân nghề nghiệp mà người viết tự cho mình cái quyền xúc phạm đến hàng nghìn kỹ sư xây dựng, những nhà tư vấn trong và ngoài nước, những giáo sư, thầy giáo, những người đang trực tiếp ngày đêm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” cùng những người đang căng não của mình khi đứng trước những sự cố giàu tính trí tuệ ở những công trình mà bài báo liệt kê vào hàng “gian dối”. Trong khi các trang chuyên ngành về xây dựng, cầu đường, giao thông vận tải các phóng viên chuyên ngành đang miệt mài tìm hiểu nguyên nhân để cố gắng mang đến bạn đọc cái nhìn chuyên môn sâu thì có những báo lại muốn thay mặt với sự phiến diện trong cách đặt vấn đề và đặc biệt là lối dùng từ “giật tít” gây sốc dư luận. Với những lý do nêu trên ai có thể tin tính xác thực của bài viết “Các công trình gian dối đây - thưa Bộ trưởng Bộ GTVT!” . Tôi xin kết thúc bài viết bằng câu nói của đại thi hào Nga Lép - Tônxtôi: “Mọi việc con người làm đều có thể sai, hoặc đúng. Sai là vì mặt phiến diện, vì con người không có khả năng bao quát chân lý. Đúng là vì con người đã làm được một phần từ những yêu cầu chân lý ấy”.
(*) Tiêu đề bài do Tòa soạn đặt.
Nguồn : www.baoxaydung.com.vn/news/vn/kinh-...c-cong-trinh-bi-su-co-deu-la-gian-doi-().html